Video: Hệ thống cống ngầm mới thu gom, xử lý nước thải sông Tô Lịch thế nào?
Câu chuyện giải cứu những dòng sông "chết" ở Hà Nội được đem ra bàn luận sôi nổi sau khi HĐND Thành phố thông qua "Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" tại kỳ họp thứ 15, hôm 29/3.
Trong quy hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô. Đồng thời xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm các dòng sông của Hà Nội không phải bây giờ mới được đề cập.
Các dòng sông nội đô Hà Nội đều đang trong tình trạng ô nhiễm nặng, trở thành những cống nước thải lộ thiên.
PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) nêu rõ, ý tưởng "hồi sinh" các dòng sông tại Hà Nội là chủ đề bàn luận tại nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn của HĐND Thành phố cho đến nghị trường Quốc hội trong hàng chục năm qua.
"Sau mỗi lần bàn bạc, thảo luận thì lại có các đề án, dự án được đưa ra, có giải pháp cũng được thực hiện với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nhưng hiệu quả gần như là con số 0. Sông Tô Lịch là một điển hình, gần 20 năm tiến hành hồi sinh nhưng tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng", ông Tứ nói.
Theo vị chuyên gia, bắt đầu từ năm 2008, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thử nghiệm việc dùng nước Hồ Tây để cải thiện nước cho con sông này.
Tiếp đó, rất nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên sông Tô Lịch như: tạo bè thủy sinh, xây dựng cống bao, dùng chế phẩm Redoxy 3C (của châu Âu) khử ô nhiễm nước, công nghệ Nano - Bioreactor (của Nhật Bản) phân hủy bùn…
"Những biện pháp đã thực hiện chỉ là biện pháp giải quyết phần ngọn, cái gốc của tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý", ông Tứ nhận định.
PGS.TS Đào Trọng Tứ phân tích, những biện pháp được áp dụng trong gần 2 thập kỷ qua có hai xu hướng làm sạch sông Tô Lịch.
Xu hướng thứ nhất, theo ông Tứ, chế phẩm Redoxy 3C và công nghệ Nano - Bioreactor là biện pháp xử lý tại chỗ nhưng chỉ mang tính tạm thời.
"Việc xử lý ô nhiễm tại chỗ là biện pháp lắp đặt máy móc, đưa xuống sông một lượng hóa chất, chế phẩm sinh học không hoặc ít ảnh hưởng đến môi trường nước để từng bước cải thiện môi trường nước. Tuy nhiên phương pháp này chỉ thực sự có hiệu quả khi thực hiện ở những khu vực không có nước thải bổ cập - nguồn gốc của sự ô nhiễm", ông Tứ lý giải.
Theo Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp qua hàng trăm ống xả thải trực tiếp, nước sông Tô Lịch không thể chuyển màu từ đen sang xanh với giải pháp tạm thời.
Còn xu hướng thứ hai là đề xuất dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho Hồ Tây, từ đó cải thiện nước sông Tô Lịch - biện pháp mà nhiều chuyên gia cho rằng là hợp lý nhất trong thời điểm này - cũng chưa đủ sức giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch.
Giải pháp mà Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất, nếu được thông qua, việc dẫn nước từ sông Hồng và Hồ Tây sẽ được thực hiện khoảng 2 lần/tháng, chủ yếu vào mùa khô.
Tuy nhiên, ông Tứ cho rằng, với lượng nước thải bổ cập vào sông Tô Lịch lên đến 150.000 m3/ngày, giải pháp này cũng chỉ có tác dụng pha loãng tình trạng ô nhiễm, tạo dòng chảy cho sông chứ chưa thể giải quyết được cái gốc của vấn đề.
Từ thực tế trên, PGS.TS Đào Trọng Tứ khẳng định, để có thể "hồi sinh" các con sông nội đô Hà Nội, trước tiên cần xác định nguyên nhân gây ô nhiễm từ nguồn thải, loại và số lượng nước thải để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn thì mới bảo đảm thành công.
Hình ảnh Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá nhìn từ trên cao.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho rằng, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét là 4 con sông nội đô đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống thoát nước, sinh thái đô thị và gắn liền với chiều dài lịch sử văn hóa của Hà Nội.
Nhưng tỷ lệ nghịch với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, những con sông này lại trở nên ô nhiễm trầm trọng.
"Vấn đề chính nằm ở việc thu gom và xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước khu vực trung tâm Hà Nội là hệ thống cống chung, nước thải chưa được tách ra và chưa được xử lý xả vào 4 con sông này", ông Hạ nói.
Đánh giá cao về tính khả thi của Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, ông Hạ nhận định, với công suất xử lý 270.000 m3/ngày đêm thì có thể đặt kỳ vọng dự án sẽ góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm của các dòng sông.
"Khi nhà máy đi vào hoạt động, nước thải sẽ được thu gom để xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường rồi bổ cập trở lại cho sông. Đối với các điểm xả nước thải phân tán không thu gom được vào cống thì cần có các giải pháp xử lý tại chỗ bằng các công trình và thiết bị phù hợp", ông Hạ gợi mở.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đức Hạ cho rằng, dự án với tổng vốn đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng này mới chỉ xử lý được nguồn gốc của sự ô nhiễm, nếu muốn các dòng sông "hồi sinh" thì cần thêm các giải pháp khác.
Cụ thể, sau khi thu gom nguồn thải, cần làm sạch và xử lý bùn lắng đọng trong sông, kè lại các đoạn bờ sông bằng các vật liệu sinh thái, tôn tạo các đoạn bờ sông phù hợp với cảnh quan và mục đích vui chơi giải trí khu vực…
Bên cạnh đó, theo ông Hạ, đặc điểm của sông các con sông nội đô là dòng chảy chỉ được lưu thông vào mùa mưa, còn mùa khô thì nước sông sẽ "tù", có khi cạn trơ đáy nên vẫn phải được bổ cập nước thường xuyên.
"Đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước cho sông nội đô là một trong những việc làm cần thiết. Các đơn vị liên quan cũng cần chú ý tạo dòng chảy và tăng cường quá trình tự làm sạch trong sông về mùa khô bằng việc bổ sung nước sạch", ông Trần Đức Hạ đề xuất.
Hệ thống cống gom nước thải cho sông Tô Lịch với đường kính 1,8m.
Chung nhận định, PGS.TS Đào Trọng Tứ, cho rằng, dẫn nước sông Hồng để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch là giải pháp hợp lý kết hợp với việc thu gom toàn bộ nước thải để xử lý mà Hà Nội đang triển khai.
Theo ông Tứ, cần làm dòng chảy cưỡng bức bằng cách bơm trực tiếp nước từ sông Hồng, hoặc lấy nước sông Hồng "quá cảnh" qua Hồ Tây rồi chảy về sông Tô Lịch.
"Nguồn nước thải từ Yên Xá sau khi xử lý sẽ đổ về sông Nhuệ, vì bơm ngược lại vào Tô Lịch là tốn kém và không khả thi", ông Tứ nhấn mạnh.
Bên cạnh việc bổ cập nước, ông Tứ nêu thêm giải pháp để khôi phục dòng chảy của sông Tô Lịch.
Theo đó, cần khôi phục dòng chảy sông Thiên Phù (đoạn sông trước đây chảy giữa làng Phú Xá và Nhật Tân qua Xuân La, có một nhánh chảy qua chùa Bái Ân, đến Yên Thái thì nối vào sông Tô Lịch) bằng giải pháp lấy nước từ sông Hồng qua trạm bơm đặt ở cuối ngõ 464 Âu Cơ.
Vị chuyên gia thông tin, nước sông Hồng sau khi được lắng sơ bộ, sẽ được bơm theo đường ống (theo ngõ 464 Âu Cơ, qua đê đến đường Lạc Long Quân) và đổ vào thượng lưu sông Tô Lịch.
Ngoài ra, ông Đào Trọng Tứ cho biết, một giải pháp quan trọng khác là nâng cao ý thức của cộng đồng, người dân để cùng chung tay bảo vệ các dòng sông, từ đó cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị.
Đồng thời, kiên quyết trong xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp quy hoạch.
"Nếu quyết liệt, đồng bộ các giải pháp này thì chúng ta hoàn toàn có thể phục hồi các con sông trong nội đô", Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nói thêm.