Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Muốn đào tạo tiến sĩ chất lượng, không thể 'bình dân hóa' luận án

(VTC News) -

Sản phẩm khoa học cần những chuẩn mực nhất định chứ không thể “bình dân hóa” như nghiên cứu phát triển cầu lông và nhiều đề tài khác.

Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao trước đề tài luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được hướng dẫn và bảo vệ tại Viện Khoa học Thể dục thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Những tiêu đề của các luận án tiến sĩ thế này thường gắn liền với thực tiễn cuộc sống, nên khi đọc qua người dân có thể hiểu được phần nào, từ đó họ cũng có thể đưa ra những bình luận và khả năng làm tổn thương tác giả luận án, người hướng dẫn và cả cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, theo yêu cầu của một luận án tiến sĩ thì luận án phải có đóng góp mới cho chuyên ngành. Kết quả đóng góp khách quan nhất là thể hiện dưới dạng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín, nếu là các tạp chí ISI/Scopus uy tín thì càng khách quan hơn (một số đặc thù ngành cũng có thể có yêu cầu tương đương).

(Ảnh minh hoạ: H.N.M)

Dễ thấy tiêu đề luận án tiến sĩ đó chỉ thuần túy là các công việc phải làm của các cá nhân/tổ chức với chức trách trong việc thực hiện nhiệm vụ hoặc nâng cao hiệu quả công tác, chứ không phải là việc gì phải nghiên cứu một cách hàn lâm thông qua các luận án tiến sĩ, ví dụ như việc phát triển đánh cầu lông chẳng hạn.

Với những lĩnh vực nghiên cứu gắn liền với thực tiễn cuộc sống thì nhiều người có thể hình dung nội dung thông qua tiêu đề. Do đó, một cách để người dân khỏi phải bình luận, thắc mắc, thậm chí là chê bai các luận án tiến sĩ này thì trong những tóm tắt luận án tiến sĩ như thế, cơ sở đào tạo nên yêu cầu nghiên cứu sinh bổ sung thêm kết quả nghiên cứu được công bố  thế nào và trên tạp chí khoa học uy tín nào.

Muốn nâng lượng đào tạo tiến sĩ cả nước thì phải có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn đầu ra, nên xem lại việc chạy theo số lượng trong đào tạo tiến sĩ.

TS Lê Văn Út

Nếu một luận án tiến sĩ có tên khá bình dân nhưng kết quả nghiên cứu lại được công bố trên những tạp chí ISI/Scopus có uy tín cao trong chuyên ngành, thì chắc hẳn người dân sẽ rất nể phục. Ngược lại, sự hoài nghi về chất lượng của các tiến sĩ sẽ còn bị tiếp diễn. Sự tổn thương này rất không đáng có với những người hoàn tất bậc học cao nhất trong đời người, tiến sĩ.

Sự việc này một lần nữa cho thấy việc ban hành quy định chuẩn đầu ra chuẩn mực đối với các luận án tiến sĩ là việc cần làm ngay, chẳng những yêu cầu luận án tiến sĩ phải có các công trình công bố trên các tạp chí ISI/Scopus mà phải là các tạp chí ISI/Scopus uy tín cao trong chuyên ngành. Đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo tiến sĩ.

Nhiều người cho rằng cần thẩm định lại chất lượng của luận án tiến sĩ. Theo tôi có thể thẩm định lại nhưng quan trọng vẫn là kết quả trong đó là gì. Tiêu đề phải làm sao hàn lâm một chút. Phải có tín hiệu cho thấy chứa đựng kết quả nghiên cứu mới, đóng góp thiết thực cho chuyên ngành, chứ không nên quá “bình dân” như thế.

Những tiêu đề luận án tiến sĩ quá "bình dân" dễ làm dư luận đưa ra dự đoán tiêu cực về chất lượng của các luận án. Và khó có thể nói việc thẩm định đã chặt chẽ, khoa học, dù quy trình rất phức tạp và kín kẻ về mặt hình thức từ cấp phòng quản lý đào tạo sau đại học, các hội đồng, phê duyệt của lãnh đạo đơn vị đào tạo.

Như đã nói ở trên, muốn nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ trong cả nước thì phải có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn đầu ra, nên xem lại việc chạy theo số lượng trong đào tạo tiến sĩ, vì việc này sẽ để lại hậu quả nguy hiểm và kéo dài. Các đơn vị quản lý nhà nước cần phải tăng cường trách nhiệm thanh kiểm tra để có thể ngăn chặn các trường hợp không đạt chuẩn.

Luận án tiến sĩ đang gây tranh cãi những ngày qua.

Về quy trình quản lý và giám sát việc đào tiến sĩ thì Việt Nam, thủ tục phức tạp hơn nhiều nước trên thế giới nhưng chất lượng các luận án tiến sĩ thì vẫn còn hoài nghi là do lực lượng chuyên gia của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực thì thực sự chưa đủ mạnh. Do đó, rất cần thiết chế bằng các quy định về tiêu chuẩn các luận án tiến sĩ và quan trọng hơn là tiêu chuẩn của người hướng dẫn luận án tiến sĩ từ các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo thì mới có thể lấy lại uy tín cho việc đào tạo trong đào tiến sĩ của một số chuyên ngành.

Cũng cần chia sẻ thêm là không ít lĩnh vực ở Việt Nam có thể đào tạo ra những tiến sĩ ngang tầm khu vực và thế giới, vì các cơ sở đào tạo hoặc người hướng dẫn khoa học trong những chuyên ngành này tự quy định tiêu chuẩn đầu ra theo hướng tiếp cận các nước tiên tiến.

TS Lê Văn Út (Đại học Tôn Đức Thắng)

Tin mới