Muối hồng là loại muối có màu hồng tự nhiên, chủ yếu được khai thác từ mỏ muối Khewra nằm gần dãy Himalaya ở Pakistan. Đây là một trong những mỏ muối lâu đời nhất và lớn nhất thế giới. Muối hồng Himalaya thu hoạch từ mỏ này được hình thành từ hàng triệu năm trước do sự bốc hơi của các nguồn nước cổ xưa.
Sau khi khai thác, muối hồng được chế biến ở mức tối thiểu để tạo ra sản phẩm chưa tinh chế, không có chất phụ gia.
Cũng như muối thường, muối hồng Himalaya có thành phần chính là natri clorua. Tuy nhiên, do quá trình hình thành và quy trình khai thác tự nhiên, muối hồng Himalaya có nhiều khoáng chất và nguyên tố vi lượng khác không được tìm thấy ở muối ăn thông thường, đặc biệt là sắt -chất đem lại cho muối màu hồng đặc trưng.
Trả lời báo Dân Trí, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, quá trình hình thành trầm tích kéo dài giúp muối cạn có thêm một số khoáng chất ở vùng đất đó. Vì thế, muối Himalaya có màu hồng.
Muối hồng đã được người dân vùng Tây Tạng khai thác và dùng trong nấu ăn từ rất lâu.
Muối hồng có tốt hơn muối trắng?
"Nó có thể được dùng làm muối ăn, để ngâm chân, tắm, sát trùng, làm đẹp. Nó cung cấp một số chất khoáng có tác dụng tích cực tới cơ thể", TS Thịnh cho biết. Muối hồng rất đắt do được vận chuyển từ nơi xa xôi; còn những khoáng chất có trong loại muối này cũng dễ dàng được tìm thấy trong nhiều thực phẩm khác.
Theo Healthline, muối hồng Himalaya chứa nhiều canxi, kali, magie và sắt hơn muối trắng thông thường. Tuy nhiên, hàm lượng khoáng chất này trong muối hồng Himalaya thực sự rất nhỏ, đến mức bạn cần dùng tới 1,7kg muối mới có đủ lượng kali khuyến nghị mỗi ngày. Nói cách khác, lượng khoáng chất bổ sung trong muối hồng Himalaya không đủ để mang lại cho bạn bất kỳ lợi ích sức khỏe nào.
Vậy muối hồng có tốt hơn muối trắng? Câu trả lời là có, nhưng lợi ích cộng thêm này rất nhỏ so với chênh lệch về giá cả; và bạn dễ dàng bổ sung phần thiếu hụt đó bằng việc sử dụng các loại trái cây, thực phẩm khác.
Muối hồng Himalaya có thể được dùng trong nấu nướng như muối trắng, tuy nhiên mức giá của nó khiến ít người dùng cho mục đích này. Một số đầu bếp dùng dùng tảng muối hồng Himalaya để nướng thịt, giúp tăng hương vị cho món ăn.
Ứng dụng phổ biến nhất của muối hồng Himalaya là cho vào bồn tắm, giúp cải thiện tình trạng da và làm dịu cơ bắp đau mỏi. Nó cũng được gắn lên tường các phòng xông hơi khô ở một số spa, phòng trị liệu...
Các khối muối hồng lớn được dùng làm đèn bằng cách gắn nguồn sáng phía trong. Đèn muối Himalaya được dùng làm vật trang trí, đèn ngủ, đèn phong thủy, có thể góp phần loại bỏ các chất gây ô nhiễm không khí, tốt cho sức khỏe.
Nhu cầu về muối của con người rất thấp. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, con người chỉ nên ăn dưới 5 gram muối mỗi ngày, nếu vượt quá mức khuyến nghị sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, các khảo sát cho thấy người Việt Nam đang dùng muối quá nhiều so với liều lượng cần thiết, trung bình mỗi người đưa vào cơ thể 9,4 gram muối mỗi ngày
Thói quen ăn thừa muối chính là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Tình trạng thừa muối còn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và nhiều rối loạn cho sức khỏe khác.