23h ngày 23/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 17, quyết định cách ly xã hội toàn TP theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Các biện pháp giãn cách đã được Hà Nội áp dụng trước đó từ Công điện 15, Công điện 16 một cách linh hoạt, hạn chế ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, với việc ca nhiễm tăng cao, biến chủng Delta khiến người bệnh trở nên khó phát hiện, Hà Nội bắt buộc áp dụng Chỉ thị 16 hoàn chỉnh.
Thành phố quyết tâm tận dụng triệt để 15 ngày tới để quét sạch dịch bệnh khỏi cộng đồng.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, các biện pháp, hệ thống chống dịch của Hà Nội được nâng cấp dần dần, tùy thuộc vào diễn biến trên địa bàn. Việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng thể hiện sự thận trọng, cảnh giác của TP khi các diễn biến mới khó lường hơn.
Ông Tuấn cho rằng giãn cách xã hội là biện pháp cơ học "tách người với người, hạn chế việc di chuyển, giảm đến mức thấp nhất tần suất tiếp xúc trong xã hội". Với nhiều F0 chưa rõ nguồn lây, rõ ràng, số ca mắc ngoài cộng đồng chưa được phát hiện còn tương đối nhiều.
Hà Nội tận dụng triệt để 15 ngày giãn cách để tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng. (Ảnh: Đức Anh)
"Thành phố đang bóc tách dần dần từng F0 khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ có thể rảnh tay làm việc đó nếu như toàn xã hội tuân thủ nghiêm ngặt việc giãn cách, không ra khỏi nhà. Và Chỉ thị 16 có nhiệm vụ giữ cho các F0, F1 ở nguyên vị trí, không lây lan ra khu vực khác", ông Tuấn nói với Zing.
Trước mắt, ngành y tế TP chia nhỏ địa bàn ra thành các khu vực theo mức độ nguy cơ. TP sẽ dồn nhân lực cho các khu vực nguy cơ lớn trước, truy vết toàn bộ các F0 tản mát trong cộng đồng, đến các ổ dịch nguy cơ thấp hơn. Mục tiêu là trong 15 ngày tới, Hà Nội sẽ tìm hết, tách hoàn toàn các F0 còn lại ra khỏi cộng đồng và cách ly toàn bộ các trường hợp liên quan.
"Nguy cơ của TP đang ở mức cao. Mỗi ngày khoảng 50 ca mắc mới, nhưng vẫn nằm trong dự liệu của cơ quan chuyên môn. Tức là, khi dịch bệnh bắt đầu có chuyển biến xấu, ta áp dụng ngay các biện pháp mạnh, quyết liệt nhất để sớm dập được dịch", ông Tuấn nhấn mạnh 15 ngày tới là "cơ hội vàng" để Hà Nội ổn định được tình hình dịch bệnh.
Qua lần áp dụng Chỉ thị 16 năm 2020, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng TP đã rút được nhiều kinh nghiệm. Theo đó, TP cần huy động được triệt để sự tham gia của tổ Covid cộng đồng, toàn xã hội và bản thân người dân vào việc thực hiện Chỉ thị 16.
Bên cạnh chính quyền địa phương, tổ Covid cộng đồng với khả năng sâu sát địa bàn dân cư cần phát huy vai trò giám sát, nhắc nhở những hành vi vi phạm trong thời gian giãn cách. Mỗi người dân cũng cần phát huy tính tự giác, nhắc nhở người thân, bạn bè khi nhận thấy biểu hiện vi phạm quy định phòng, chống dịch.
"Thực hiện Chỉ thị 16 là ta đang hy sinh các lợi ích trước mắt để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, nếu người dân không thực hiện nghiêm túc, vai trò giám sát của chính quyền không được phát huy thì hiệu quả giãn cách không cao, không đạt được mục tiêu chống dịch đề ra", ông Tuấn khẳng định.
Hà Nội thực hiện nghiêm nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, tỉnh với tỉnh. (Ảnh: Hồng Quang)
Phó giám đốc CDC Hà Nội cũng kêu gọi người dân khi có triệu chứng nghi ngờ (ho, sốt, đau cơ, mất vị giác...) dù là thoáng qua cũng cần liên hệ ngay cơ quan y tế, khai báo qua website hoặc QRCode để được hướng dẫn, xét nghiệm.
Chia sẻ về việc áp dụng Chỉ thị 16 sáng 24/7, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng cho biết quyết định được đưa ra trong buổi họp Ban Thường vụ Thành ủy tối 23/7 và nhận được sự thống nhất tuyệt đối (100%) từ các đại biểu tham dự.
Ông Dũng nhấn mạnh việc áp dụng Chỉ thị 16 đã được chuẩn bị kỹ, bảo đảm ít xáo trộn cho đời sống nhân dân. Lãnh đạo Thành ủy kêu gọi mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người và khai báo y tế hàng ngày.
Về công tác điều trị, lãnh đạo Thành ủy giao ngành y tế nâng cao năng lực tiếp nhận và điều trị F0, nhất là các trường hợp nặng; bảo đảm số lượng giường bệnh theo các kịch bản tương ứng là 5.000, 10.000 và 20.000 ca.
Về cung ứng hàng hóa, ngành công thương Hà Nội đã bổ sung lượng hàng hóa thiết yếu tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5. Chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị mini, cửa hàng kinh doanh hoa quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động.
Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội giao UBND thành phố lên phương án cụ thể bảo đảm điều kiện cần thiết khi cách ly đơn vị hành chính cấp xã, thậm chí cấp huyện khi có nhiều ca F0, chú trọng kịch bản cung cấp hàng hóa, thuốc men đến từng hộ gia đình.
Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 675 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, ngoài ra có hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Riêng chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến sáng 24/7 đã có 417 trường hợp dương tính với virus.