Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mức sinh ở Việt Nam thấp nhất 12 năm qua, dự báo tiếp tục giảm

(VTC News) -

Tổng tỷ suất sinh năm 2023 Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ, giảm so với năm ngoái (2,01 con), dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Thông tin trên được Cục Dân số, Bộ Y tế nhấn mạnh tại hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số tổ chức chiều nay.

Để ngăn mức sinh thay thế tiếp tục giảm trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về dân số. Qua đó kỳ vọng khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.

Siêu âm chăm sóc sức khoẻ cho sản phụ. (Ảnh: BV Tâm Anh)

6 chính sách về dân số đang được Bộ Y tế xây dựng để trình Chính phủ gồm: Duy trì mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; Thích ứng với già hóa dân số, dân số già; Phân bố dân số hợp lý; Nâng cao sức khỏe dân số; Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, mức sinh thay thế đang giảm nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Tổng tỷ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ, năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi điều kiện kinh tế phát triển.

Hai khu vực có mức sinh giảm đáng báo động là vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, bình quân 1,47 con/phụ nữ. Trong khi đó, tại một số nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao, trên 2,5 con/phụ nữ.

Từ thực tế đó, Bộ Y tế đề xuất chính sách để các cặp vợ chồng và cá nhân tự quyết định việc sinh con, thời gian sinh, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con.

Bộ Y tế đánh giá, đây là sự thay đổi so với Pháp lệnh Dân số hiện hành, vốn quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định". 

Chính sách mới này nhằm khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, đồng thời tránh được nguy cơ già hóa dân số nghiêm trọng. Để thực hiện giải pháp này, Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động, thực hiện hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho các đối tượng thực hiện chính sách.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, mức sinh thay thế ở nước ta chưa thực sự bền vững. Thêm vào đó, già hóa dân số tăng nhanh, chưa có giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng, năm 2023 là 74,5 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa tương xứng. Mặt khác, phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập. Các yếu tố liên quan đến công tác dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện nay là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Mục tiêu hướng đến năm 2045, Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao.

Như Loan

Tin mới