Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng cho thấy lòai cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias) ở Thái Bình Dương đang bị những con mực khổng lồ tấn công.
Bằng chứng là các vết sẹo và vết chích chi chít trên cơ thể của chúng.
Nhiều người từng cho rằng cuộc chiến giữa những sinh vật với xúc tu khổng lồ với đàn cá mập với hàm răng sắc nhọn chỉ xuất hiện trên các bộ phim viễn tưởng. Nhưng thực tế, các cuộc trạm chán này được ghi nhận xung quanh đảo Guadalupe ngoài khơi Baja, bờ biển California.
Các vết thương chi chít trên thân cá mập. (Ảnh: Becerril-García)
Theo nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi 14 con cá mập trắng lớn trong 5 năm 2008, 2012, 2013, 2017 và 2019. Hầu hết chúng đều chưa đạt tuổi trưởng thành trong thời gian này.
Theo đó, các vết sẹo được phát hiện trên nhiều bộ phận trên cơ thể chúng nhưng tập trung ở trên đầu và thân.
"Các vết sẹo ở gần miệng và thân cho thấy phản ứng phòng thủ của mực với cá mập", nghiên cứu cho hay.
Các nhà nghiên cứu sau khi phân tích các vết sẹo tin rằng cuộc đối đầu xảy ra rất quyết liệt. Ngoài ra, lực từ giác hút ở cánh tay và xúc tu của lũ mực đã làm thay đổi cấu trúc răng trên da cá mập. Trong một số trường hợp, cá mập phải chịu các vết thương hở với mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Giàu protein và carbohydrate, mực ống là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của cá mập lớn. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiếm khi ghi được tương tác giữa chúng. Điều này làm cho các nghiên cứu trở nên đặc biệt quan trọng.
Là loài cá săn mồi lớn nhất thế giới, cá mập trắng có chiều dài trung bình khoảng 4,5 m, có những con còn dài tới 6 m. Nhìn bề ngoài, tưởng chừng lũ mực không thể chống cự nếu bị những kẻ săn mồi to lớn này tấn công.
Tuy nhiên, ở khu vực phía đông Bắc Thái Bình Dương, tình thế không hoàn toàn là vậy. Phạm vi tập trung cá mập trắng lớn là điểm nóng hoạt động của lũ mực. Rất nhiều loài mực khác nhau sinh sống tại đây, có con dài tới 14 m.
Cuộc đối đầu giữa 2 sinh vật này được cho là xảy ra ở sâu dưới đáy biển bởi cá mập thường di chuyển xuống vùng chạng vạng cách mặt biển khoảng 200 - 1.000 m để săn mồi.