Vào đầu tháng 6, khi SJC và 4 ngân hàng bắt đầu bán vàng, các hội nhóm nhận mua vàng hộ, mua bán trao đổi vàng SJC đã nhanh chóng được lập ra. Người xếp hàng mua vàng hộ được trả công 500.000 đến 1-2 triệu đồng cho một lần mua vàng thành công, tùy số lượng mua.
Có người cho biết khi vàng bị giới hạn số lượng mua và những ngày đầu phải mua online, họ kiếm chênh lệch 3-4 triệu đồng mỗi lượng vàng từ việc bỏ công “săn” rồi bán lại kiếm chênh lệch.
Bán suất mua vàng, đăng ký mua hộ
Từ khi các ngân hàng và SJC bán vàng miếng bình ổn thị trường, "nghề" đăng ký mua vàng hộ xuất hiện với khá đông người gia nhập. (Ảnh: TL)
Từ khoảng tháng 7 đến nay, các hội nhóm nhận “săn” vàng, bán slot mua vàng, mua bán vàng miếng SJC liên tục xuất hiện. Giá "săn" vàng cũng không còn đắt đỏ mà chỉ quanh mức 200.000-400.000 đồng/lượng tùy ngân hàng hay các điểm bán của SJC. Thậm chí có nhóm còn rao nhận đăng ký số lượng lớn chỉ 40.000-50.000 đồng/lượng, đăng ký lẻ 70.000-90.000 đồng/lượng.
“Nghề” đăng ký mua vàng ngày càng có nhiều người tham gia do người dân vẫn khó mua được vàng bằng hình thức đăng ký trực tuyến tại 4 ngân hàng và SJC; việc mua vàng cũng tốn quá nhiều thời gian.
Chị Thảo ở Gò Vấp, TP.HCM cho biết chị đăng ký hơn 10 lần nhưng chưa lần nào thành công. Các nhà bán vàng thông báo mở đăng ký hàng ngày từ 9h, chị canh lúc 9h, 9h15 đều nhận được thông báo đã hết lượng bán trong ngày. Chị Thảo tìm đến dịch vụ mua lại slot với mức 400.000 đồng/lượng mua của SJC.
Anh Ngọc Linh ở Biên Hòa, Đồng Nai cho biết sau hơn 1 tháng “canh” liên tục, anh cũng thành công mua 1 lượng vàng tại Vietcombank chi nhánh Thủ Đức, TP.HCM. Ngoài việc tốn thời gian canh, khi mua được, anh còn phải xin nghỉ làm, tốn tiền xe lên ngân hàng nhận vàng. Chi phí phát sinh tính ra gần cả triệu đồng. Trong lần mua sau đó, anh quyết định chi 300.000 đồng cho người đăng ký mua hộ.
Trên mạng xã hội, không khó để tìm thấy những hội nhóm, trang cá nhân, fanpage chào mời đăng ký mua vàng. Có những nhóm thành viên trực tiếp “săn” lên đến 50-70 người, hàng ngày “gom đơn” từ cuối giờ chiều, cam kết "uy tín, tỷ lệ thành công đến hơn 90%", giao vàng mới nhận tiền phí, hoặc có mã QR thanh toán, có mail báo xác nhận mới nhận phí, không nhận tiền cọc...
Giá đăng ký mua hộ 1 lượng vàng được chào với nhiều mức khác nhau tùy đơn vị bán. (Ảnh: FB)
Mức giá các nhóm này chào giảm rất nhiều so với những ngày đầu mới áp dụng bán vàng online. Chẳng hạn với SJC, công "săn" là 150.000-300.000 đồng/lượng. Với mua vàng tại Vietcombank, giá "săn" khoảng 300.000 đồng/lượng, yêu cầu khách có tài khoản của ngân hàng này và tài khoản vẫn đang hoạt động ở thời điểm đăng ký, khách cũng phải canh điện thoại để bên "săn" trao đổi.
Nếu mua vàng ở BIDV, mức giá đăng ký hộ là 200.000 - 300.000 đồng/lượng; yêu cầu khách đặt có tài khoản Facebook chính chủ, có tài khoàn của ngân hàng này và ưu tiên tài khoản mới mở gần đây, trong tài khoản phải đảm bảo đủ số tiền mua 1 lượng vàng, căn cước công dân…
Đặc biệt, khách đặt mua vàng qua ngân hàng này phải là khách lần đầu tiên mua, những tài khoản đã đặt mua thành công sẽ không có quyền mua nữa.
Tương tự, mức giá đăng ký mua vàng hộ ở Vietinbank, Agribank quanh mức 200.000-400.000 đồng với những yêu cầu có tài khoản chính chủ của ngân hàng nhưng không yêu cầu tài khoản đủ tiền mua 1 lượng vàng ở thời điểm đăng ký thành công.
Không chỉ nhận đăng ký hộ, rao bán suất đã đăng ký thành công, nhiều thành viên còn rao bán công cụ (tool) đăng ký mua vàng của các đơn vị bán, nhận chạy tool với giá vài trăm nghìn đồng/slot…
Tool mua vàng được chào bán.
Các nhóm này cũng liên tục tuyển người làm. Yêu cầu đưa ra với “lao động” là trên 18 tuổi, có căn cước công dân, làm việc giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 và đăng ký mua vàng theo khung giờ. Đặc biệt, người giới thiệu “lao động” cho các hội nhóm cũng được trả hoa hồng 100.000 đồng/người giới thiệu thành công.
Cảnh báo từ Ngân hàng Nhà nước
Những người không thích dịch vụ đăng ký hộ có thể mua bán trực tiếp với giá cả thỏa thuận. Giá bán thường chênh với giá SJC đang niêm yết từ 300.000 đồng đến khoảng 1 triệu đồng tùy thời điểm và tùy nhu cầu người giữ vàng muốn đẩy hàng.
Số chào bán, chào mua từ 1 lượng đến vài lượng, thậm chí vài chục lượng đều được "đáp ứng". Người bán, người mua cũng đưa ra cụ thể mức giá mong muốn, địa điểm, thời gian nhận vàng. Cũng có người chào bán đúng với giá SJC niêm yết, mong thu hồi vốn khi dự báo giá vàng thế giới đi xuống.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng nửa đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 tổ chức hôm 23/7, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận có tình trạng nhiều người dân không canh được suất mua vàng trực tuyến.
Trả lời về tình trạng nhiều người rao bán suất mua vàng trên mạng xã hội với giá chênh 500.000 - 800.000 đồng/suất, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN, cho biết cơ quan quản lý đã nắm được, và có biện pháp đề nghị các ngân hàng thương mại, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tại một số địa phương có biện pháp ngăn chặn phù hợp.
Ông Tuấn nói thêm rằng theo phản ánh từ các đơn vị, có người đặt lệnh mua mà không đến lấy vàng.
Ngân hàng có cần phải tham gia bán vàng với nhiều quy định khắt khe như hiện nay hay không đang là câu hỏi lớn. (Ảnh: PM)
Cũng tại cuộc họp, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết việc bán vàng qua 4 ngân hàng và SJC đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp kiểm soát giá vàng SJC so với giá vàng thế giới, và hạn chế chênh lệch giá quá lớn, duy trì ở mức độ hợp lý.
Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, những việc thuộc vai trò quản lý Nhà nước thì dứt khoát phải tiếp tục quản lý; còn những gì thuộc về thị trường, sẽ tạo điều kiện cho thị trường được thông thoáng.
Trả lời Báo điện tử VTC News, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, vàng miếng là lựa chọn hàng đầu của đại đa số người dân. Vàng luôn là nơi trú ẩn an toàn khi người dân muốn tích trữ tài sản. Những quy định của các ngân hàng được phép bán vàng miếng SJC đang gây khó khăn nhất định cho người mua vàng.
Khi mua bán khó thì họ sẽ tìm đến "thị trường chợ đen", gây tình trạng khó kiểm soát cho cơ quan quản lý.