Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mùa trứng kiến

Cứ vào tháng 3 âm lịch, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, người ta lại đi “hái” trứng kiến...

Những hạt trứng kiến trắng, tròn như hạt gạo nếp rơi lả tả trên mẹt khi anh thanh niên dùng cành cây nhọn và dao tách tổ của chúng ra làm đôi, làm ba. Cứ vào tháng 3 âm lịch, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, người ta lại đi “hái” trứng kiến như vậy để làm thành những món ăn vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng cho sức khỏe.

 

Mùa “hái” trứng kiến

Ở một số vùng miền núi của Việt Nam có các món ăn kỳ lạ và độc đáo như bọ xít, châu chấu, mối rang, trứng kiến… Nhiều người e ngại không dám thử nhưng đây lại là món “khoái khẩu” của dân nhậu và giới sành ăn, đi nhiều. Hơn thế, những “đặc sản” này không phải lúc nào cũng có mà chỉ có theo mùa và cũng khá hiếm chứ không sẵn ngoài chợ nên muốn ăn cũng lắm công phu. Món trứng kiến chẳng hạn, chỉ có vào đầu tháng 3 đến hết tháng 5 âm lịch. Khi ấy, tiết trời vẫn còn mát mẻ, dễ chịu. Nghe người ta nói, trứng kiến sẽ ngon nhất vào tiết thanh minh, không biết có đúng hay không nhưng để “rình” mua được vài lạng trứng đã là tốt lắm rồi chứ còn nếu mua được vào đúng dịp thanh minh, mà nhất là ngày 3 tháng 3 âm lịch thì chắc hôm ấy phải may mắn lắm.

Tổ kiến hôm nay chúng tôi “thu hoạch” được là của loài kiến đen. Bình thường chúng làm tổ dưới đất nhưng đến mùa mưa lại kéo lên cây xây tổ. Chúng thích làm tổ trên các loài cây như nhãn, hồng xiêm, xoan, găng hoặc cây tre. Dẫn tôi đi lấy trứng kiến là một thanh niên người Mường. Tay cầm dao, tay cầm mẹt, anh ta bước thoăn thoắt lên một quả đồi thoai thoải, chỉ lên trên thân cây cho chúng tôi thấy một tổ kiến khá to.  Hình dạng của nó khi nhìn từ xa như cái mũ làm bằng cành lá khô và đất kết với nhau úp lấy thân cây.

 
  Người con trai ban nãy trèo lên cây, tay thành thạo cầm dao lựa lựa lách vào mép tổ rồi gỡ chúng xuống, đặt vào trong cái mẹt để sẵn dưới chân.  Sau đó một tay dùng cành cây nhọn đâm xuyên qua chiếc tổ, tay còn lại dùng dao bổ đôi tổ kiến ra, khi ấy những “hạt” trứng kiến bắt đầu rơi ra mẹt trắng tinh và chắc mẩy như những hạt gạo nếp trông đến là thích mắt. Bầy kiến đen vỡ tổ chạy toán loạn. Cô gái người Mường dùng mấy cành lau bắc cho kiến leo bớt ra ngoài rồi rũ đi. Cứ làm như vậy vài lần, cô bảo, làm thế để đám kiến không kịp tha trứng đi được vừa đỡ bị chúng leo vào người đốt.

Ðể thu hoạch được một mẻ trứng ngon còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của người đi “hái” trứng. Nếu tổ còn non, trứng chưa kịp chắc sẽ không ngon, ngược lại nếu để tổ quá già, trứng nở gần hết thì sẽ lấy được ít trứng và lẫn nhiều kiến con. Cho nên, bình thường, cứ hễ đến mùa, người ta lại để mắt lên các thân cây coi chừng bầy kiến tha lá khô, tha rác, đất lên cây làm tổ ở vị trí nào rồi theo dõi đợi đến khi thấy có thể là thu hoạch luôn đỡ cất công tìm.

Khi đám kiến đã đi gần hết, cô gái dùng tay nhặt những vụn tổ và rác lẫn trong đám trứng. Nhưng như vậy chưa đủ sạch. Sau khi mang về, trứng kiến được đổ vào trong chậu nước, khi ấy, trứng kiến chìm xuống đáy, chỉ có vụn tổ nổi lên trên thì hớt sạch rác ra, bằng cách đó, ta sẽ có một mẻ trứng sạch sẽ, ngon lành mà trứng không bị dập chỉ chờ được chế biến và nấu thành những món ăn bổ dưỡng.

 

Món ăn độc đáo, bổ dưỡng

Món ăn được chế biến từ trứng kiến không chỉ hấp dẫn giới sành ăn vì cái sự thu hoạch nghe có vẻ công phu, thú vị kia mà còn vì nó thực sự là một dược liệu quý nữa. Trong Y học cổ truyền, kiến đen được gọi là hắc mã nghị, nó chứa tới 40%- 67% protein gồm nhiều loại acid amin.

Không khó chút nào để tìm thấy công dụng của vị thuốc độc đáo này trên internet. Từ trứng kiến, người ta có thể chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau. Với chỗ trứng kiến hôm nay chúng tôi thu hoạch được và thêm một ít mua của người dân, chúng tôi có thể làm được 3 món: Chả trứng kiến gói lá bí hấp, xôi trứng kiến, canh trứng kiến nấu với mồng tơi. Với những người đã quen với thực phẩm này, họ rất thích ăn gỏi trứng kiến. Trứng kiến khi ăn sống có vị cay, hơi hăng nên ăn với lá vả non có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Nhưng với những người không quen, lại không bạo chắc cũng không dám thử vì bao giờ lẫn trong trứng vẫn còn kiến. Hơn nữa, một số người có thể bị dị ứng khi không quen ăn món này.

Anh đầu bếp đưa cho chúng tôi xem một rổ lá bí đỏ trước khi nhúng chúng vào nồi nước sôi. Anh giải thích một số cách chế biến món ăn từ trứng kiến, trong đó có món chả hấp này. Lá bí sau khi chần xong để nguội thì trải ra từng lá một, dùng thìa xúc một ít trứng kiến đã ướp bột nêm, hoặc gia vị, mì chính đổ vào giữa và gói lại vuông vắn đặt vào đĩa. Sau khi đã gói đủ cho mỗi người được 2 miếng chả, anh đặt cả đĩa vào nồi hấp cách thủy. Trứng kiến rất hợp với lá bí đỏ, khi ăn nó không những ngọt, béo ngậy mà còn có mùi thơm, bùi rất hấp dẫn và dễ ăn.

 
  Món thứ hai là xôi trứng kiến. Rất nhiều hành được phi mỡ cho đến khi thơm nức thì đổ trứng kiến vào đảo đều cùng với bột nêm, gia vị… Xôi nếp nương vừa dẻo vừa ngọt được trộn với trứng kiến hành mỡ thơm, ngon mà không hề có cảm giác ngấy lại có vẻ “thân thiện” hơn với những người lần đầu nếm món ăn độc đáo này.

Ngoài ra, trứng kiến còn có thể xào với mướp đắng giúp chữa bệnh viêm khớp, tê thấp và viêm gan mãn tính. Phụ nữ ăn nhiều trứng kiến đen sẽ có làn da đẹp, mịn màng, tươi tắn. Trứng kiến đen còn có thể ngâm rượu giúp tăng cường thể lực, bổ dưỡng cho trí óc, hay cho người suy nhược cơ thể… Vừa khéo léo nấu nướng, anh đầu bếp vừa đọc vanh vách cho tôi nghe công dụng của những món ăn này. Anh bảo, đây là món ăn rất độc đáo của người miền núi, chỉ đến tháng 3 âm lịch mới được thưởng thức món trứng đầu mùa tươi, ngon này cho nên chớ nên bỏ thừa mà phí hoài.

So với một số các món như bọ xít, mối, châu chấu… trứng kiến có vẻ chế biến thành nhiều món và dễ ăn hơn cả. Một số người thành phố cứ đến gần tháng 3 âm là gọi điện đặt mua và bảo quản chúng trong ngăn đá tủ lạnh ăn dần. Tuy nhiên, trứng kiến ăn lúc tươi là ngon nhất, nhất là sau khi vừa thu hoạch xong, đưa miếng chả hấp lá bí vào miệng, cảm nhận vị béo ngậy của trứng, vị thanh mát của lá bí mà như thể cảm nhận được cả tiết thanh minh mát mẻ, dễ chịu của khí trời. Tôi tự nhủ, từ nay, cứ đến thời gian này sẽ gọi đây là “mùa trứng kiến” để nhắc nhớ về món ăn đã chứa đựng trong nó rất nhiều những cảm xúc đầu mùa thú vị này.

Thành Long

Nguồn:

Tin mới