Sáng 26/10, tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp trực tiếp điều hành cuộc họp chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, thiên tai năm nay ở Việt Nam không khốc liệt như năm 2020 nhưng các địa phương không được chủ quan do đột biến từ 1-2 cơn bão theo dự báo có thể gây mưa, gió lớn.
Thông tin về áp thấp nhiệt đới đang tiến sát đất liền, ông Hiệp cho biết cơn áp thấp này không mạnh lên thành bão. Trong chiều tối nay, áp thấp sẽ tác động trực tiếp đến các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên.
Đợt mưa tại khu vực này không lớn như đợt mưa ngày 25/10 nhưng diện rộng. Mưa đợt 2 diễn ra từ nay đến chiều 28/10, đợt 3 từ ngày 27/10 đến ngày 29/10 kéo dài đến Bắc Trung Bộ. Đáng chú ý là đợt mưa đặc biệt lớn ở TP.HCM. "Từ đêm 26/10 đến ngày 27/10, mưa đặc biệt lớn ở TP.HCM kèm triều cường. TP.HCM có nguy cơ ngập lụt rất lớn", ông Hiệp lưu ý.
Đợt mưa lần này có nguy cơ gât sạt lở, lụt ở vùng trũng thấp nên Thứ trưởng Hiệp đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục động viên, hỗ trợ bà con ổn định tâm lý, nhất là sau nhiều lần di dời, tránh trú thiên tai. Ông Hiệp cũng đề nghị lực lượng bộ đội biên phòng và địa phương theo dõi tàu thuyền và di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng áp thấp nhiệt đới.
Với các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Đảm bảo an toàn lao động trên lồng bè. Người dân đang ở trên lồng bè không được di chuyển đi đâu, không bơi ra ngoài, không vào bờ… để tránh trường hợp đáng tiếc”.
Các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên cần tìm mọi cách tích nước cho mùa khô hạn sắp tới, nhất là nguy cơ hạn hán cực đại ngay sau Tết. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, khu vực Nam Tây Nguyên… quan tâm vấn đề sạt lở, nhất là khu vực đã có cảnh báo. Trong 3 ngày tới, địa phương cần có người ứng trực, báo động nhất là ban đêm khi bà con đang ngủ, mục tiêu bảo đảm an toàn con người là trên hết.
Về giao thông, ông Hiệp lưu ý các tỉnh thành đảm bảo lực lượng ứng trực để đảm bảo thông đường nhanh nhất có thể để khắc phụ hậu quả bão lũ và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.
“Các địa phương chủ động tổng hợp, báo cáo thiệt hại để báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai để tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng trong thẩm quyền để điều tiết ngân sách hỗ trợ địa phương theo quy định”, ông Hiệp nói.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Bên cạnh đó, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tới 7h ngày 26/10, áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách Khánh Hòa khoảng 300km, cách Ninh Thuận khoảng 280km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Trung tâm khí tượng nhận định cường độ áp thấp nhiệt đới duy trì cường độ cấp 7, giật cấp 9, khi vào gần bờ giảm xuống cấp 6, giật cấp 8 đi vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Áp thất nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10km/h.
Theo ông Mai Văn Khiêm, từ 22-25/10, Thừa Thiên Huế đến Bình Định mưa lớn từ 200-500mm, tại Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa 400-600mm, một số trạm mưa lớn như: Thuỷ Yên (Thừa Thiên Huế) 640mm; Tam Trà (Quảng Nam) 950mm, hồ Phú Ninh (Quảng Nam) 696mm, Bình Khương (Quảng Ngãi) 802mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 813mm. Ngày 26-27/10, Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận và Tây Nguyên mưa.