Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận ông P.V.K. (44 tuổi, ở Hà Nam) nhập viện với nhiều thương tích do nổ pháo.
Gia đình ông K. cho biết, ngày 4/1 ông có mua pháo tự chế về để sử dụng. Quá trình dùng, quả pháo bất ngờ phát nổ gây nhiều thương tích trên tay và mặt ông. Ông K. được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hà Nam nhưng do tình trạng quá nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Ông K. nhập viện trong tỉnh trạng tỉnh chậm, huyết động ổn, nhiều vết thương dập nát và dị vật vùng cánh tay, chấn thương phức tạp vùng mặt, 2 mắt nề, rách da mi, bờ mi phức tạp, đứt lệ quản, kết mạc phù nề, rất nhiều dị vật sâu trong mắt.
Cả cánh tay bị dập nát của nam bệnh nhân dùng pháo tự chế.
ThS Nguyễn Thị Thu Hằng - Khoa PT Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được làm sạch dị vật vùng mặt và cánh tay, phẫu thuật điều trị gãy xương vùng mặt, xử lý vết thương phần mềm.
"Sau mổ tình trạng người bệnh ổn định, các vết thương sạch. Dự kiến trong 1-2 ngày tới sẽ được chuyển viện mắt để điều trị", bác sĩ Hằng nói.
Theo các bác sĩ, trong những năm gần đây, tình trạng chấn thương nặng do pháo nổ, pháo tự chế gia tăng trong các dịp lễ, Tết. Nhiều trường hợp để lại hậu quả đáng tiếc do chấn thương hoặc bỏng.
Người dân cần tuân thủ pháp luật không buôn bán hoặc sử dụng các loại pháo nổ. Bởi pháo không chỉ gây tai nạn cho bản thân người đốt mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh. Các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế tình trạng đốt pháo trong các dịp Tết.