Toàn tỉnh Đắk Lắk có 128 ngôi nhà bị ngập nước từ 20-40cm, hơn 4.400 hecta cây trồng bị ảnh hưởng. Trong đó, lúa hơn 3.800 hecta, hoa màu hơn 480 hecta, cây lâu năm hơn 50 hecta và hơn 6 hecta mặt ao nuôi cá bị ngập. Một số công trình hạ tầng giao thông bị hư hỏng nặng nề.
Nước vẫn liên tục đổ về huyện biên giới Ea Súp. (Ảnh: CT)
Những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là: Huyện Ea Súp, Krông Bông, Krông Ana và huyện Lắk. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc; chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động.
Người dân thu dọn lúa non bị hư hỏng
Tại tỉnh Đắk Nông: TP Gia Nghĩa là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có 64 căn nhà, 9 phòng trọ bị ngập, 1 nhà rẫy bị sập, khoảng 10 vị trí sạt lở đất. Bên cạnh đó, 84 hộ bị ngập ao cá với diện tích khoảng 45 hecta; 45 hecta cà phê, cây ăn trái bị thiệt hại từ 30-70%.
Mưa lớn nhấn chìm nhiều nhà cửa ở TP Gia Nghĩa. (Ảnh: LP)
Ngoài ra, tại các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức và Đắk Glong bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ này khi có hàng chục căn nhà, hàng trăm hecta cây trồng bị ngập sâu. Nhiều hộ dân bị cô lập, nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng nặng nề.
UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu UBND các huyện, TP Gia Nghĩa, các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang… triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ rà soát, chủ động phương án trợ giúp xã hội; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người và cơ sở hạ tầng...