Kem Tràng Tiền không chỉ là thương hiệu nổi tiếng, nó còn được xem là nét văn hóa của người Hà Nội. Vì vậy, khi cổ phần hóa và bị thâu tóm, đơn vị nắm giữ thương hiệu Kem Tràng Tiền nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân thủ đô.
Năm 2010, khi cổ phần, giá trị doanh nghiệp của Kem Tràng Tiền được xác định chỉ vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng dù Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền có trong tay mảnh đất “kim cương” nằm trên mặt phố Tràng Tiền. Không lâu sau khi cổ phần hóa, Kem Tràng Tiền được cho là đã bị Tập đoàn Đại Dương thâu tóm.
Ông Hà Trọng Nam đã chiếm dụng vốn 628 tỷ đồng của OCH trong bối cảnh công ty này chật vật vì thiếu tiền.
Những đồn đoán này được hé lộ khi Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương Ocean Hospitality (OCH), công ty con của Tập đoàn Đại Dương, chính thức công bố mua cổ phần tại Kem Tràng Tiền. Số tiền được ghi nhận trong báo cáo tài chính lại là 500 tỷ chứ không phải 32 tỷ đồng. 500 tỷ đồng này được ứng trước cho ông Hà Trọng Nam, anh trai Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đại Dương Hà Văn Thắm để mua Kem Tràng Tiền.
Trong đó, Ngân hàng Đại Dương còn bị mua lại với giá 0 đồng. Hiện tại, OCH vẫn chưa thoát ra khỏi vũng lầy. Một trong những “vũng lầy” đó là chưa lấy lại được toàn bộ 500 tỷ đồng tiền ứng trước để mua Kem Tràng Tiền. Sau khi những ồn ào về thương vụ thâu tóm này qua đi, Tập đoàn Đại Dương tuột dốc vì ông Hà Văn Thắm bị bắt. Những công ty lớn nhất, nổi tiếng nhất trong hệ thống như Tập đoàn Đại Dương, OCH, Ngân hàng Đại Dương đều lao đao.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017 của OCH, tại ngày 31/12/2017, OCH vẫn còn khoản phải thu dài hạn với ông Hà Trọng Nam có trị giá lên tới gần 499 tỷ đồng. Con số này hồi đầu năm là tròn 500 tỷ đồng.
OCH không nêu rõ khoản phải thu này đến từ đâu nhưng không quá khó để xác định. Trong nhiều năm trước đây, OCH đều thuyết minh khoản phải thu 500 tỷ đồng từ ông Nam là khoản tạm ứng mua Kem Tràng Tiền. Và chưa có thông báo nào cho thấy ông Nam đã thanh toán khoản tạm ứng này.
Hồi cuối năm 2017, ông Nam không chỉ “nợ” OCH 499 tỷ đồng, OCH còn ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn lên tới 128 tỷ đồng với ông Nam. Như vậy, anh trai ông Hà Văn Thắm nắm giữ 628 tỷ đồng của OCH trong thời gian dài qua.
OCH chật vật vì thiếu tiền
Video: Cách mua nhà thông minh, tránh sập bẫy lừa
Có thể thấy ông Hà Trọng Nam đã chiếm dụng vốn 628 tỷ đồng của OCH trong bối cảnh công ty này chật vật vì thiếu tiền. Khoản nợ phải trả của công ty lên đến 2.111 tỷ đồng. Trong đó, có gần 859 tỷ đồng là tiền vay và thuê tài chính. Khoản vay này đã gây áp lực không nhỏ lên hoạt động của OCH.
Năm 2017, OCH phải trả gần 76 tỷ đồng lãi vay. Con số này trong năm 2016 còn lên tới 112 tỷ đồng. Lãi ngân hàng lớn đã “ăn mòn” lợi nhuận của OCH. Năm 2017, OCH thua lỗ 3,6 tỷ đồng, lũy kế tới cuối năm 2017, khoản lỗ của công ty lên tới hơn 800 tỷ đồng.
Dòng tiền không dồi dào nên hiện tại, khoản nợ phải trả của OCH khá lớn. Ngoài nợ vay, tại thời điểm đầu năm 2017, OCH vẫn nợ cổ tức năm 2013 lên tới 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản tiền nợ này đã được thanh toán trong năm 2017.
Ngoài ra, OCH còn phải trả 116 tỷ đồng cho 60% lợi ích Công ty TNHH Pegasus Thăng Long được hưởng trong dự án Sài Gòn AirPort theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Công ty còn phải trả 100 triệu đồng lãi vay Ngân hàng Đại Dương. Đây là khoản ngắn hạn. Còn về dài hạn, OCH phải trả thêm Ngân hàng Đại Dương 171 tỷ đồng lãi vay.
Với những số liệu tài chính kém tích cực kể trên, cổ phiếu OCH của Ocean Hospitality bị nhà đầu tư quay lưng. Trong nhiều năm liền, OCH giao dịch thấp hơn mệnh giá rất nhiều. Đóng cửa phiên giao dịch 14/3/2018, OCH dừng ở mức 4.600 đồng/CP.
Với việc sở hữu cổ phiếu OCH, năm 2013, ông Hà Trọng Nam thậm chí còn đứng ở vị trí 70 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Khi đó, ông Hà Văn Thắm lọt vào top 10. Tuy nhiên, khi OCH rơi tự do, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Nam chỉ dừng ở mức dưới 20 tỷ đồng.