Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mùa đông đặc biệt nhất của người Việt ở châu Âu

(VTC News) -

Giá năng lượng đắt đỏ, lạm phát tăng kéo theo thu nhập giảm, nhưng người Việt ở châu Âu đều giữ suy nghĩ lạc quan và dần thích nghi với những biến động chưa từng có.

4 giờ sáng, anh Karel Khải, một người Việt sinh sống ở Đức đã 30 năm, bắt đầu một ngày bằng việc thêm củi vào lò sưởi để giữ các phòng ngủ luôn ấm. Đây là việc anh phải làm mỗi buổi sáng kể từ sau đợt tuyết rơi đầu mùa ở Đức vào cuối tháng 11/2022. Nhiệt độ trung bình ngoài trời khoảng -8 độ C. Không ai muốn rời khỏi chiếc chăn ấm của mình, nhưng ngày làm việc mới của anh phải bắt đầu vào lúc 5 giờ.

“Tối chỉ đốt tới lúc đi ngủ, đến sáng nhiệt độ trong nhà xuống khoảng 13 - 15 độ C nên phải đốt thêm củi từ sớm thì nhà mới ấm đến lúc cả nhà dậy. Sưởi củi nó vất vả hơn nhiều so với dùng khí đốt hay điện. Tôi đã mua tích trữ củi từ đầu năm và đủ dùng đến tận năm 2024”, anh Khải chia sẻ.

Sự chuẩn bị đó không làm anh hết lo lắng về tương lai, khi cuộc khủng hoảng kép “năng lượng - lạm phát” có thể đẩy nước Đức và châu Âu vào một cuộc suy thoái chưa từng có.

Anh Khải cùng chiếc lò sưởi củi giúp gia đình anh tiết kiệm đáng kể chi phí sử dụng khí đốt để sưởi ấm vào mùa đông, ngoài ra nó cũng có thể được sử dụng để nấu nướng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Vượt qua cái lạnh trời Âu

Từ cuối năm 2021, khi COVID-19 dần được kiểm soát, hầu hết người dân châu Âu đều nghĩ kinh tế sẽ sớm phục hồi. Thế nhưng, những biến động địa chính trị trong khu vực vào đầu năm 2022 đã đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng mới. Việc thiếu hụt nguồn cung năng lượng cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn khiến nền kinh tế châu Âu nói chung và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng càng trở nên khó khăn.

Gia đình anh Khải gần một năm nay phải thay đổi dần những thói quen sinh hoạt hàng ngày khi giá năng lượng bắt đầu biến động. Để hạn chế chi tiêu và đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như: nấu nướng, sưởi ấm, tắm rửa…, anh Khải quyết định chuyển sang sưởi và nấu một phần bằng củi - điều có vẻ xa lạ ở nước Đức.

“Khi trời ngày một lạnh hơn, giá củi cũng tăng mạnh. Giá củi gỗ thông tháng 12 năm nay tăng gấp 2,5 lần so với đầu tháng 1, mà gỗ lại tươi không thể dùng để sưởi ngay. Nhìn chung, đã lạm phát thì ở đâu cũng vậy, ảnh hưởng tới mỗi gia đình, mỗi con người, phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, nơi sống... Thế hệ người Việt chúng tôi sinh sống ở đây 30 -  40 năm có cách vượt qua giai đoạn hiện tại khác đi”, anh Khải chia sẻ khi được hỏi về những vấn đề mà cộng đồng người Việt ở Đức đang phải đối mặt.

Cũng theo anh Khải, người Việt làm công ăn lương phải đi thuê nhà ở những thành phố lớn của Đức không nhiều. Lạm phát và giá năng lượng tăng tác động trực tiếp đến họ khi tiền thuê nhà tăng, tiền điện, lò sưởi tăng, tiền mua thực phẩm cũng tăng. Khó khăn là điều có thể thấy rõ.

Chị Phạm Việt Hà, một người Việt đang sinh sống cùng gia đình tại thành phố Rouen, miền bắc nước Pháp cho biết, cùng với những biến động ở châu Âu gần đây, gia đình chị đã có những điều chỉnh về chi tiêu, hạn chế tối đa những khoản không cần thiết. Đây cũng là cách của hầu hết người Việt ở Pháp, vì không biết đến khi nào kinh tế mới phục hồi.

Gia đình chị Hà cũng bắt đầu việc cắt giảm phí sinh hoạt từ thay đổi các hệ thống sưởi tiết kiệm hơn, trước khi mùa đông đến. “Chỉ một thời gian ngắn sau khi xảy ra khủng hoảng năng lượng, mình đã bắt đầu lo lắng về mùa đông năm nay. Trước đó nhà mình dùng lò sưởi dầu. Thông thường 1.000 lít giá khoảng 900 euro, nhưng từ tháng 3, giá đã tăng lên 600 euro cho mỗi 500 lít dầu. Việc dùng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào thời tiết”, chị Hà nói.

Ở thành phố lớn như Rouen, sử dụng củi để sưởi là điều không thể, chưa nói đến việc không có đủ không gian cất trữ. Gia đình chị Hà quyết định chuyển sang sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống máy bơm nhiệt và hệ thống sưởi bằng nước nóng. Đây là phương án tốt nhất mà gia đình chị có thể thực hiện nếu muốn tiết kiệm chi phí sưởi ấm trong mùa đông năm nay.

Ngược về phía Đông Âu, anh Phong, một nghiên cứu sinh ở Budapest (Hungary) chia sẻ, dù giá khí đốt thế giới tăng mạnh nhưng nguồn cung năng lượng ở Hungary về cơ bản vẫn được đảm bảo hơn phần còn lại của châu Âu khi sử dụng đường ống dẫn khí từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Nam Âu.

Anh Phong chụp ảnh cùng cửa hàng nhỏ của gia đình ở Budapest. (Ảnh nhân vật cung cấp)

“Khi giá năng lượng biến động, chính phủ Hungary ngay lập tức có chính sách trợ giá về xăng dầu cho người dân. Tuy không kéo dài được lâu nhưng nó cũng hạn chế được một phần giá cả các mặt hàng khác leo thang”, anh Phong chia sẻ.

Giá điện và khí đốt không tăng quá nhiều nhưng được tính theo bậc, giá tăng lũy tiến theo mức tiêu thụ. Ngoài ra, giá điện, giá khí đốt dành cho sinh hoạt và kinh doanh cũng có cách tính khác nhau. Dù không phải quá suy nghĩ về vấn đề sưởi ấm cho mùa đông năm nay, gia đình anh Phong vẫn phải thay đổi chi tiêu khi đồng forint mất giá so với euro. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhiều người Việt đang học tập và làm việc tại Hungary.

Khi được hỏi về tác động của giá năng lượng tăng, anh Phong cho biết, ở Hungary, tiền điện được tính vào đầu tháng 1 hàng năm. Do đó, thời điểm hiện tại rất khó để nói về tác động của việc điều chỉnh giá. Hàng tháng, gia đình anh vẫn phải trả một mức cố định dựa trên mức trung bình của năm trước. Nếu nhu cầu sử dụng điện mùa đông lớn hơn thì rất có thể anh phải đóng thêm một khoản đáng kể cho tiền điện cả năm qua.

Mọi sự chuẩn bị đều có giới hạn và người Việt ở châu Âu phải dần học cách thích nghi với sự thay đổi. Đối với những người sinh sống lâu năm ở châu Âu như anh Khải, đây chưa phải giai đoạn khó khăn nhất, nhưng với những gia đình trẻ người Việt sống ở các thành phố lớn, việc thay đổi diễn ra chậm và mất nhiều thời gian hơn.

Người Việt giỏi xoay sở

Hầu hết người Việt ở Đức đều có thói quen chi tiêu đơn giản, chỉ tập trung mua nhà và đầu tư cho con cái nên có thể thích nghi mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, trước những biến động địa chính trị lớn ở châu Âu như vừa qua, cuộc sống có thể không thoải mái như trước.

“Một điểm mạnh của người Việt ở châu Âu là luôn có từ hai đến ba nguồn thu nhập. Cả hai vợ chồng tôi đều đang đi làm và có thêm một số nguồn thu nhập khác. Hầu hết người Việt mình đều làm từ một đến hai việc, không quán ăn thì tiệm làm móng, bán quần áo, vài nơi còn bán hoa, bán thực phẩm Á châu”, anh Khải nói.

Có thể thấy ngay khả năng xoay sở của người Việt qua câu chuyện tích trữ củi của anh Khải. “Trước tháng 2/2022, tôi cảm nhận sẽ có biến động lớn ở châu Âu nên quyết định đặt mua 3 xe củi, chất đầy sau vườn và bãi cỏ trước nhà, mặc cho vợ tôi càu nhàu. Hàng xóm và cả người bán đều tò mò hỏi tôi mua nhiều củi về để làm gì. Chỉ một tháng sau, khủng hoảng năng lượng diễn ra, cả giá điện và khí đốt đều tăng phi mã”, anh Khải nói.

Thời điểm anh Khải mua củi vào đầu năm, có khá nhiều lựa chọn và muốn mua củi nào cũng có, thậm chí người bán còn chở tới tận nhà. Ví dụ như củi Buche (cây dẻ), loại tốt nhất, cháy lâu và sạch, đầu năm 2022 chỉ 70 euro một khối, tới tháng 9 đã lên 235 euro, và hiện giờ, ở nhiều nơi bán củi, khách hàng muốn mua phải đặt trước, 5 - 6 tháng sau họ mới giao hàng.

Anh Khải và kho củi đủ cho gia đình anh sử dụng đến hết năm 2023. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cũng theo anh Khải, nếu dựa vào trợ cấp của chính phủ Đức, nhiều gia đình chỉ có thể đủ tiền cho chạy máy sưởi điện/khí đốt trong một tháng, trong khi mùa đông năm nay đến trễ hơn và dự báo sẽ lạnh hơn nhiều so với mọi năm. Cách tốt nhất để vượt qua “cái lạnh” là dựa vào chính bản thân mình.

Đối với những người Việt đang kinh doanh ở châu Âu như chị Hà và anh Phong, khi giá nhập hàng hóa tăng lên theo từng ngày, việc tăng giá bán là điều không thể tránh khỏi, nhưng luôn có cách hài hòa lợi ích của cả hai bên để giữ chân khách, nhất là trong dịp mua sắm cuối năm.

“Tình hình kinh doanh thời gian này chậm hơn trước rất nhiều. Hàng hóa đầu vào tăng cao, tôi phải tăng giá nhưng cũng không dám tăng nhiều vì sợ khách không quay lại. Sức mua giảm rõ rệt. Đúng lúc khó khăn nữa nên khách hàng càng dè chừng, mua ít đi”, chị Hà chia sẻ.

Mọi người động viên nhau để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng như dần thích nghi với thời cuộc. Tất cả đều mong muốn có một năm mới khởi sắc hơn.

Khó khăn như vậy, nhưng anh Phong vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng đối với kinh tế châu Âu trong năm tới, nhất là khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, việc đi lại giữa các nước thuộc hiệp ước Schengen thuận tiện hơn.

“Với gia đình tôi, việc buôn bán có thể sẽ tốt hơn một chút so với giai đoạn đóng cửa do COVID-19. Khách du lịch đến Budapest cũng nhiều hơn trước. Tôi thì hay suy nghĩ theo hướng tích cực. Các cô chú người Việt ở đây cũng vậy, nhưng phải chờ thêm hai, ba tháng nữa xem tình hình thế nào. Chính sách hỗ trợ từ chính phủ Hungary cũng được kỳ vọng giúp nền kinh tế phục hồi”, anh Phong nói.

Trà Khánh

Tin mới