Có nên mua nhà chung cư trả góp là băn khoăn của những gia đình không có nhiều tài chính. Theo chuyên gia bất động sản, mua nhà trả góp bằng lương hàng tháng là một trong những phương án đầu tư hợp lý và an toàn.
Một trong những lợi thế lớn nhất khi mua chung cư trả góp là không cần phải thanh toán 100% giá trị căn nhà tại thời điểm mua. Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng sẽ cho người mua vay khoảng 70% giá trị căn nhà bằng cách thế chấp chính căn nhà định mua hoặc dùng tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay. Theo đó, khách hàng có thể sở hữu căn hộ chung cư cho riêng mình và trả góp hàng tháng.
Khách hàng có thể lựa chọn trả góp trong vòng 15 - 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Thời gian trả góp càng lâu thì số tiền phải trả mỗi tháng càng thấp.
Bên cạnh đó, ngân hàng hỗ trợ gói vay sẽ giải ngân theo từng đợt cho chủ đầu tư dựa vào tiến độ dự án. Người mua không gặp khó khăn trong việc quản lý dòng tiền và áp lực tài chính.
Trong quá trình trả góp, khách hàng vẫn được sử dụng ngôi nhà của mình thay vì phải bỏ thêm một khoản để đi thuê nhà.
Mua nhà chung cư trả góp phù hợp với gia đình có kinh tế trung bình. (Ảnh minh họa)
Do đó, hình thức mua nhà trả góp phù hợp với người có thu nhập trung bình. Với các cặp vợ chồng trẻ chưa có nhà riêng, chưa đủ tiền để thanh toán mua nhà nhưng đã có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng thì việc tham gia vay vốn ngân hàng để mua chung cư trả góp là một phương án tài chính khả thi và phù hợp.
Theo các chuyên gia bất động sản, khách muốn mua chung cư trả góp cần cân nhắc thật kỹ, dựa trên khả năng thu nhập, mức độ ổn định ở hiện tại và tương lai để có quyết định đúng đắn nhất. Dưới đây là một số vấn đề người mua cần đặc biệt lưu ý để tránh rủi ro:
Rủi ro pháp lý
Rủi ro pháp lý xảy ra khi chủ đầu tư hoặc bên bán thiếu các giấy tờ cần thiết như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hồng hoặc bản vẽ thi công, bản vẽ phù hợp với quy hoạch. Khi đó, người mua có thể rơi vào tình trạng mất trắng tài sản vì dự án chung cư đó không có tính pháp lý. Để tránh rủi ro, khách hàng cần yêu cầu bên bán cho xem giấy tờ liên quan đến căn hộ. Kiểm tra thật kỹ xem có dấu vết tẩy xóa, chắp vá hay không, kèm một số giấy tờ khác như thế chấp, vay nợ (nếu có). Tiến hành kiểm tra chéo bằng cách đến cơ quan chứng nhận sở hữu nhà để kiểm tra thông tin gốc, xác định căn nhà có thuộc khu đất giải tỏa hay có quy hoạch xây dựng công trình công cộng hay không.
Khách hàng cần tìm hiều kỹ vấn đề pháp lý để tránh rủi ro. (Ảnh minh họa)
Rủi ro tài chính
Trong các giao dịch, bên mua đặt cọc cho bên bán chung cư không quá 10% giá trị tài sản và trả dần theo tiết độ xây dựng. Trên thực tế, nhiều người dân mua nhà trên "lý thuyết" bởi, sau đó chủ đầu tư không xây dựng nhà hoặc ôm tiền bỏ trốn gây thiệt hại lớn cho khách hàng.
Ngoài ra, để mua được chung cư trả góp, điều đầu tiên là phải có một số tiền làm nền tảng và giấy tờ chứng minh thu nhập hàng tháng. Tuy nhiên, rủi ro ở đây là nhiều người muốn mua nhà lớn nhưng tài chính hạn hẹp hoặc thiếu hiểu biết mà trả góp thời gian ngắn. Điều này rất nguy hiểm bởi không chỉ tiền gốc mà lãi suất cũng trở thành gánh nặng hàng tháng. Để hạn chế rủi ro, không nên vay quá 50% giá trị của nhà hoặc căn hộ chung cư. Điều này giúp đảm bảo song song hai việc là vừa đủ tài chính để duy trì cuộc sống và đủ tài chính để trả nợ tiền vay đúng thời hạn.
Rủi ro lãi suất
Lãi suất cũng là vấn đề người mua chung cư trả góp cần đặc biệt lưu ý. Người mua cần tỉnh táo khi nhìn vào con số hấp dẫn như 7%/năm hoặc 8,5%/năm. Mức lãi suất hấp dẫn này có “thời hạn sử dụng” chỉ 1 năm hoặc vài tháng đầu, sau đó mức lãi suất có thể tăng lên 3, 4%. Vì vậy, khách hàng phải tỉnh táo tìm hiểu kỹ mức lãi suất áp dụng cụ thể như thế nào.
Ngoài ra, người mua chung cư trả góp cũng cần cần tìm hiểu, khảo sát thị trường nhiều hơn; Tìm hiểu về chính sách vay vốn của các ngân hàng, so sánh điểm thuận lợi và hạn chế của từng bên, những lợi ích kèm theo để có lựa chọn phù hợp nhất.