Tuần qua, nhà đầu tư chứng khoán trên toàn thế giới gặp nhiều khó khăn. Chứng khoán Mỹ lao dốc khiến chứng khoán thế giới chao đảo theo. Thị trường Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Sau 5 phiên giao dịch, VN-Index giảm giảm 39,78 điểm xuống chỉ còn 912,26 điểm.
Đà giảm mạnh của VN-Index khiến nhà đầu tư trên sàn TP.HCM mất khối tài sản khổng lồ, lên đến 126.913 tỷ đồng (khoảng 5,7 tỷ USD). Thế nhưng, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros lại lội ngược dòng ngoạn mục.
Tài sản của ông Quyết tăng lên 15.717 tỷ đồng trong tuần trước.
Bất chấp VN-Index lao dốc suốt tuần, tuần qua, ROS chỉ có 2 phiên giảm giá và có tới 3 phiên tăng giá. Kết quả là chốt tuần, ROS dừng ở mức 39.000 đồng/CP sau khi tăng 2.600 đồng/CP, tương ứng 7,2% so với cuối tuần trước.
Mức tăng 7,2% không phải là con số lớn nhưng đó lại là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh nhiều cổ phiếu rủ nhau “lao dốc”. ROS giúp vốn hóa thị trường FLC Faros tăng 1.476 tỷ đồng lên 22.136 tỷ đồng. Hiện tại, FLC Faros đang đứng ở vị trí thứ 32 trong danh sách các doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Là cổ đông lớn nhất tại FLC Faros, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC Ros và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC được hưởng lợi nhiều nhất. Sau 5 phiên giao dịch, tài sản của ông Quyết tăng lên 15.717 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý nhất không phải tài sản của ông Quyết tăng trong tuần mà chính là nhờ việc tài sản tăng đó, ông Quyết đã vượt qua bà Phạm Thu Hương để đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu VIC suy giảm khiến tài sản nữ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup giảm còn 15.408 tỷ đồng.
Vị trí thứ 4 có thể chưa là điểm dừng cuối cùng của ông Quyết trong những ngày cuối năm 2018. Ông Quyết hoàn toàn có thể vươn lên vị trí thứ 3 để thay ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Hiện tại, ông Long chỉ nhiều hơn ông Quyết 282 tỷ đồng. 282 tỷ đồng là khoảng cách hẹp, có thể được rút ngắn chỉ sau 1 phiên giao dịch.
Cổ phiếu HPG vẫn đang trong giai đoạn khó khăn.
Thời gian này, cổ phiếu HPG không có nhiều thuận lợi khi ngành thép Việt Nam gặp nhiều khó khăn do những quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế nhập khẩu thép từ Việt Nam vào Mỹ.
Bên cạnh đó, về chính bản thân doanh nghiệp, Hòa Phát đang gặp áp lực lớn khi vừa vay thêm 13.000 tỷ đồng cho dự án Dung Quất. Trong tuần qua, cùng với sự đi xuống của VN-Index, cổ phiếu HPG giảm 3.550 đồng/CP xuống 29.950 đồng/CP. HPG khiến tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Long giảm 1.896 tỷ đồng.
Gần đây, do cổ phiếu HPG giảm quá sâu, ông Trần Đình Long đã bị gạt ra khỏi danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, ông Long lại trở lại danh sách này với vị trí quen thuộc – giàu thứ 4 Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Bá Dương.
Và “sóng gió” một lần nữa lại đến với ông Long. Sau 5 phiên giao dịch “thảm họa” tuần qua, ông Long lại một lần nữa ra khỏi danh sách kể trên. Tài sản của ông Long duy trì ở mức 1,3 tỷ USD của ngày 6/3/2018 – thời điểm Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2018.
Video: Những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2018