Chiến sự đang không ngừng leo thang mỗi ngày, bất chấp nhiều lời kêu gọi ngừng bắn, đối thoại từ cộng đồng quốc tế. Tối qua (3/10) (theo giờ địa phương), trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev thông báo, quân đội nước này giành lại 7 ngôi làng ở khu vực Nagorno-Karabakh, sau 1 tuần giao tranh.
Tình hình chiến sự tại Nagorny-Karabakh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. (Ảnh minh họa: Sky News)
Ngay lập tức, hàng trăm người dân thủ đô Baku đã xuống đường ăn mừng, khẳng định và hi vọng rằng, khu vực Nagorno - Karabakh đã và sẽ trở về với Azerbaijan.
Đáp lại, chính phủ Armenia hôm qua tuyên bố sẽ sử dụng “tất cả mọi thứ cần thiết” để bảo vệ người dân nước này khỏi sự tấn công của Azerbaijan. Cập nhật diễn biến chiến sự, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thừa nhận, một số khu vực đang đứng trước thách thức:
“Giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra. Ở một số địa điểm, quân đội Phòng vệ đang đứng trước các thách thức. Tại 1 số nơi khác, họ đang kiểm soát tình hình. Vài giờ trước, lực lượng tại Nagorno-Karabakh đã tiến hành 1 cuộc phản công nhằm vào Azerbaijan và đạt được một số bước tiến, tiêu diệt được một số đơn vị đặc nhiệm của Azerbaijan”.
Trong khi, Bộ Quốc phòng Armenia hôm qua thông báo, đã có 3 máy bay của Không quân Azerbaijan bị tiêu diệt. Theo Bộ này, quân đội Azerbaijan tập trung lực lượng lớn ở hai bên sườn và tấn công khu vực Karabakh. Các đơn vị Armenia đã ngăn chặn bước tiến của đối phương, gây tổn thất nặng nề cho các lực lượng này.
Tuy nhiên, phía Azerbaijan đã ngay lập tức phủ nhận thông tin máy bay nước này bị bắn rơi tại Karabakh.
Những ngày qua, người dân Armenia cả trong và ngoài nước đã tham gia biểu tình phản đối các hành động quân sự của Azerbaijan nhằm vào Nagorno-Karabakh, với sự hậu thuẫn lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo hãng tin Reuters, đến nay, các vụ giao tranh Nagorno-Karabakh đã khiến ít nhất 230 người thiệt mạng. Tuy nhiên, con số này có thể còn cao hơn khi phía Azerbaijan không công bố thường xuyên số liệu thương vong. Cả Azerbaijan lẫn Armenia đều tuyên bố họ đã phá hủy hàng trăm xe tăng của bên kia.
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về số người thương vong cao trong các vụ giao tranh, lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường vô tội, bao gồm cả trẻ em.
Chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra từ sáng 27/9, bất chấp yêu cầu ngừng bắn và tiến hành đối thoại từ cộng đồng quốc tế. Các cuộc đụng độ được coi là tồi tệ nhất kể từ những năm 1990.
Khu vực Nagorno-Karabakh, rộng khoảng 4.400 km2, là vùng lãnh thổ đồi núi nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan và được quốc tế công nhận rộng rãi thuộc chủ quyền Azerbaijan- quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở khu vực này lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.