Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một trường dùng nhiều bộ SGK tạo nên 'cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách'

(VTC News) -

Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong cùng một trường học tạo nên "cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách".

Nội dung trên được trình bày trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sáng nay (20/10).

Trình bày báo cáo, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu, cử tri đánh giá cao ngành Giáo dục có nhiều cố gắng chuẩn bị các điều kiện dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 3, 7, 10 như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học.

Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, hiện nay việc cải cách giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng như việc chọn tổ hợp, sách giáo khoa lớp 10 chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dạy, người học và phụ huynh. Các môn học riêng biệt được tích hợp cơ học thành môn khoa học tự nhiên, môn khoa học xã hội, môn nghệ thuật trong đó, mỗi phân môn gồm một số chương. Điều này thể hiện sự sắp xếp chương trình gò ép dẫn đến bố trí giáo viên giảng dạy môn học rất khó khăn và thiếu sự thống nhất giữa các trường.

Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo trước Quốc hội sáng 20/10.

Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong cùng một trường học tạo nên “cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách”. Mặt khác, sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách gây khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận với kiến thức.

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT có giải pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng thay sách giáo khoa gây tốn kém, lãng phí, khó khăn cho giáo viên và học sinh. Đồng thời, quy định hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa trong các trường phổ thông thống nhất trong toàn quốc. Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ để có giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chấm dứt tình trạng chạy trường, chạy lớp, chạy học bạ, “bệnh thành tích” làm giảm chất lượng giáo dục, việc lạm thu các khoản “tự nguyện” vẫn còn xảy ra vào đầu mỗi năm học.

Bên cạnh đó, nhân dân cũng lo lắng về thông tin tăng học phí của các cấp học, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các nhà trường, nhất là những người lao động, người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn.

Ở lĩnh vực đào tạo nghề, cử tri cho rằng cần quan tâm hơn yêu cầu trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì hiện nay sinh viên một số ngành ra trường không xin được việc làm, phải đi làm công việc không đúng theo chuyên ngành được đào tạo, gây lãng phí rất lớn.  

Cử tri và Nhân dân mong muốn, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xử lý các vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử trí ý kiến cần làm rõ, thanh tra các nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác.

Hà Cường

Tin mới