Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một số Bộ, cơ quan Trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ

(VTC News) -

Thực trạng trên được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu khi đọc Báo cáo thẩm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo báo cáo, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. 

Theo đó, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm. Tình trạng nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước đang hoạt động nhưng pháp luật về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính thiếu đồng bộ; một số quỹ nhiệm vụ chi trùng với NSNN, một số quỹ phụ thuộc vào nguồn NSNN cấp, một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả, một số quỹ gần như không hoạt động. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. 

"Một số Bộ, cơ quan Trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý", ông Cường cho biết. 

Ngoài ra theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, tình trạng xin lùi, rút dự án khỏi chương trình xây dựng pháp luật vẫn diễn ra. việc phát hiện, xử lý một số văn bản không phù hợp chưa kịp thời, chất lượng của một số văn bản về quản lý kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Tồn tại bất cập trong ban hành, thực hiện đơn giá, định mức nói chung, nhất là lĩnh vực xây dựng; bất cập trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vaccine phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng còn bất cập. Công tác quy hoạch triển khai rất chậm, nhiều khó khăn vướng mắc trong đầu tư chưa được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời cả đầu tư công, đầu tư PPP, đầu tư tư nhân. Chính phủ cũng chưa tổng hợp được các dự án ‘treo’, diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa trên toàn quốc; chưa thống kê các dự án BT, BOT đang vướng mắc; nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư chưa phù hợp, gây lãng phí để có giải pháp xử lý; vi phạm về đất đai vẫn xẩy ra dẫn đến khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. 

Báo cáo cũng chỉ ra thực trạng hoạt động lừa đảo, tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao còn xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng tại các thành phố lớn vẫn bức xúc, chưa được giải quyết dứt điểm, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Trước các bất cập trên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.

Cụ thể, về việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp thực tiễn. Rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến các nút thắt, điểm nghẽn hoặc chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết dẫn đến thực hiện còn lúng túng, xảy ra sai phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư. 

Về cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán, quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra; ban hành đầy đủ, phù hợp thực tiễn khuôn khổ pháp lý để thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

Về quản lý, sử dụng NSNN: Tiếp tục cơ cấu lại NSNN; siết chặt kỷ cương - kỷ luật tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi; có giải pháp hiệu quả để khắc phục việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cơ chế sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi trong Kho bạc nhà nước với phát hành trái phiếu, tiền gửi của NSNN tại Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại; cân đối việc phát hành trái phiếu, vay vốn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Về công tác thanh tra, kiểm tra: Tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, NSNN. Tăng cường thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Về quản lý đất đai: Khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Rà soát, thống kê diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, đất chưa sử dụng, đất sử dụng không đúng mục đích, các dự án treo,... để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đối với nguồn tài nguyên, đất đai.

Song Hy

Tin mới