Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cỏ mần trầu

(VTC News) -

Trong y học cổ truyền, cỏ mần trầu cũng là loại nguyên liệu khá phổ biến, xuất hiện trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh.

Mần trầu là cây gì?

Trong các loại thảo dược Đông y thì cỏ mần trầu là loại nguyên liệu xuất hiện trong khá nhiều bài thuốc điều trị bệnh.

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc vân cho biết, cỏ mần trầu danh pháp khoa học là Eleusine Indica(L.) Gaertn, là loại cây thuộc họ Lúa. Ở nhiều vùng miền khác nhau, cây cỏ mần trầu còn được biết đến với những cái tên như cây thanh tâm thảo, cây ngưu cân thảo, cây cỏ chỉ tía, hay cây cỏ vườn trầu. Đây là loại cây thân thảo nhỏ sống được quanh năm với những đặc điểm nhận diện như sau:

Cây thường mọc thành từng cụm khá sum suê, phần thân cây mọc bò dài rồi sau đó mọc thẳng đứng dần và phân thành từng nhánh.

  • Cây có chiều cao chỉ khoảng 30 - 50cm.
  • Lá cây có dạng dải nhọn thường mọc so le nhau. Phần phiến lá khá mềm và nhẵn, phần bẹ lá khá mỏng và có một lớp lông. Lá cây mọc xếp thành hai dãy và cách nhau.
  • Hoa của cây sẽ mọc từng cụm với số lượng khoảng 5 - 7 bông ở phần ngọn. Trong số đó sẽ có thêm 2 bông khác mọc ở vị trí thấp hơn trên cùng 1 cành hoa.
  • Cây có quả với kích thước chỉ 3 - 4mm hình thuôn dài. Cây sẽ kết trái vào tầm khoảng tháng 5 đến tháng 7 mỗi năm.

Mọi người thường hay bị nhầm lẫn loại cây thân thảo này với cây cỏ chân vịt. Tuy nhiên, bạn có thể nhận thấy chiều cao của cây thân vịt thấp hơn và loại cây này cũng không có bông tách rời.

Cỏ mần trầu là một vị thuốc phổ biến trong Y học cổ truyền

Cỏ mần trầu khá ưa sáng, thích môi trường ẩm và khả năng chịu nóng tương đối tốt. Ở Việt Nam, loại cây này mọc ở nhiều nơi và thường mọc thành từng đám nhỏ ở nhiều khu vực khác nhau. Những cây con sẽ bắt đầu mọc lên từ hạt vào thời điểm cuối mùa xuân. Sau khi cây kết trái thì sẽ bị tàn lụi ngay mùa hè trong năm. Đối với những khu vực núi cao, điều kiện thời tiết mưa và độ ẩm khá tốt nên cây mọc gần như quanh năm.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cỏ mần trầu?

Trong y học cổ truyền, cỏ mần trầu là loại thảo dược khá phổ biến. Bài viết của Lương y Hoài Vũ trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết cỏ mầu trầu vị ngọt, tính mát; vào các kinh Can, Phế và Vị; tác dụng thanh nhiệt mát máu, chống bốc nóng, dùng chữa cảm nắng, sốt nóng, máu xông lên đầu, nổi mẩn đỏ, tiểu tiện sẻn, tiểu đục, ngoại thương xuất huyết.

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ cỏ mần trầu:

- Trị sốt cao, hôn mê, gân co rút: Cỏ mần trầu tươi 250g, nước 600ml. Đun chín, uống như trà, uống hết trong vòng 12 tiếng.

- Phòng ngừa và điều trị huyết áp cao:

Ngày dùng 60-100g cỏ khô (hoặc 300-500g cỏ tươi), sắc uống thay nước trà.

Hoặc dùng bài: Cỏ mần trầu tươi 500g, giã nát, thêm 200ml nước đun sôi để nguội, lọc lấy nước cốt uống, ngày uống 2 lần, sáng và chiều.

- Hỗ trợ điều trị bệnh gan, làm mát gan, chữa vàng da: Cỏ mần trầu tươi 100g, sơn chi ma 50g, sắc nước uống.

- Chữa kiết lỵ: Cỏ mần trầu tươi 100g; sắc nước, thêm đường đỏ vào, uống ngày 2 lần.

- Trị say nắng, sốt nóng: Cỏ mần trầu tươi 100g, sắc nước uống trong ngày.

- Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu đục: Cỏ mần trầu tươi 100g, rễ cỏ tranh tươi 20g, sắc uống.

- Trị viêm tinh hoàn:

Cỏ mầu trầu, ích mẫu - mỗi vị 40g, sắc uống.

Hoặc dùng bài: Cỏ mần trầu tươi 200g, hạt vải khô 14 hạt; đổ nửa rượu nửa nước vào sắc trong một giờ; uống vào trước bữa ăn, ngày 2 lần.

- Giảm sưng đau vú nóng đỏ: Cỏ mần trầu 50g, bồ công anh 50g; đổ ngập nước, cho 1 quả trứng gà vào luộc chín; ăn trứng, uống nước thuốc, còn bã thuốc đắp vào chỗ sưng đau.

- Dự phòng viêm não B: Cỏ mần trầu tươi 100g/ngày, sắc nước uống thay trà phòng ngừa bệnh viêm não B, trong mùa dịch.

Lưu ý khi sử dụng cỏ mần trầu

Cỏ mần trầu không độc, tuy nhiên cần đảm bảo nguồn dược liệu sạch, uy tín, đồng thời bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ, thầy thuốc Đông y để sử dụng mần trầu một cách an toàn và hiệu quả.

Hạ An (Tổng hợp)

Tin mới