Với tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ dám làm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra quyết sách táo bạo làm thay đổi, thức tỉnh cả một vùng đất hoang hóa rộng đến hàng trăm ngàn hecta của vùng Tứ Giác Long Xuyên. Từ cuộc sống bấp bênh, giờ đây hàng triệu cư dân vùng đất này đã an cư lạc nghiệp, nhiều hộ đã trở thành tỷ phú nhờ sản xuất nông nghiệp từ chính vùng đất này.
Theo người dân sinh sống tại vùng Tứ Giác Long Xuyên, nơi đây từng bất lực trong vấn đề thao chua, tháo phèn để cải tạo đất. Thế nhưng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cải tạo được vùng đất hoang hóa này nhờ công trình kênh T5 (hay còn được gọi là kênh ông Kiệt, một trong 3 tuyến kênh đã được đào từ quyết sách đúng đắn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt), đất đai giờ phì nhiêu, tươi tốt. Công trình của ông rất hợp lòng dân.
Kênh T5.
Theo người dân, trước kia, Tứ Giác Long Xuyên là một vùng đất trũng bị nhiễm phèn nặng từ bao đời; với 6 tháng đồng khô cỏ cháy, 6 tháng nước ngập trắng đồng, một năm chỉ sản xuất được một vụ mà còn bấp bênh.
Từ khi có tuyến kênh T5, nhờ nước ngọt của dòng kênh mà màu vàng úa của đồng phèn, màu xám xịt của cỏ lác, cỏ lăn ngày nào, nay đã được thay bằng cánh đồng lúa xanh bát ngát đầy sức sống, giúp người dân nơi đây an cư lạc nghiệp.
GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ dám làm. Chính quyết sách táo bạo này đã làm thay đổi cục diện khai thác đồng phèn vùng Tứ Giác Long Xuyên, giúp người dân mở rộng sản xuất nông nghiệp, đưa An Giang trở thành địa phương đứng đầu về sản xuất lương thực của vùng ĐBSCL. Đồng thời góp phần nâng sản lượng xuất khẩu gạo lên hàng thứ 2 trên thế giới.
"Lúc đó có rất nhiều bàn luận của các chuyên gia và các vị lãnh đạo. Một nhóm trong đó có tôi nói bây giờ phải khui vùng phèn này ra thẳng biển Tây thì mới đưa được phèn ra. Sau khi đi xem, khảo sát vùng này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định rất táo bạo, chấp thuận cấp kinh phí cho đào kênh này, khui vùng phèn ra thẳng biển Tây", GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết.
Từ quyết sách đúng đắn, kịp thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 1997 đến năm 1999, 3 tuyến kênh T4, T5 và T6 đã hoàn thành, nối liền từ kênh Vĩnh Tế băng qua vùng Tứ Giác Long Xuyên; đồng thời chạy qua 2 tỉnh là An Giang và Kiên Giang. Những tuyến kênh này đã xả lũ, đẩy phèn ra biển Tây, làm thức tỉnh cả một vùng đất hoang hóa với hàng 100.000ha. Trong 3 tuyến kênh, kênh T5 là kênh dài nhất, với 36.700m; cũng là con kênh có ý nghĩa quan trọng nhất bởi thời gian thi công chỉ trong vòng 4 tháng là hoàn thành, từ tháng 4 đến tháng 8/1997.
Hệ thống kênh T4, T5, T6 đã làm thay đổi, thức tỉnh cả một vùng đất hoang hóa rộng đến hàng trăm nghìn hecta.
Để ghi nhớ công lao to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt; đồng thời dựng bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu tuyến kênh này, thể hiện lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đối với cố Thủ tướng.
Hàng năm vào ngày 11/6, ngày mất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một số người dân nơi đây và chính quyền huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thường làm giỗ để tưởng nhớ, tri ân công lao của ông.
Người dân và chính quyền huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thường làm giỗ để tưởng nhớ, tri ân công lao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã nhiều lần chia sẻ khi được làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
"Trong công việc, Anh Sáu là người rất chịu lắng nghe, quyết đoán. Có thể nói rằng, cho đến bây giờ, tôi ít thấy có công trình nào làm một cách khẩn trương, quyết liệt và hoàn thành sớm như kênh T5. Đó là xuất phát từ thái độ quyết tâm của Anh Sáu. Cho nên, công trình này rất gọn ghẽ và cho đến giờ không ai chối cãi được là nó hiệu quả”, ông Nguyễn Minh Nhị cho biết.
Theo người dân nơi đây, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là một người lãnh đạo có tầm nhìn xa, quyết đoán, mà ông còn là một cán bộ lãnh đạo luôn gần dân và lo cho dân, không quản nắng mưa, bùn phèn đã đánh thức vùng đất bưng biền.
Người dân vùng Tứ Giác Long Xuyên thắp hương tưởng nhớ, tri ân công lao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nhờ những tuyến kênh này mà những người dân nơi đây đã vững tâm bám ruộng, cần cù, sáng tạo trong việc tăng gia sản xuất. Từ những người dân sản xuất mỗi năm chỉ 1 vụ bấp bênh, nay đã sản xuất một năm 2-3 vụ lúa, năng suất tăng từ 2 tấn lên 7 - 8 tấn/ha. Từ cuộc sống bấp bênh, giờ đây hàng triệu người dân vùng lũ này đã an cư, lạc nghiệp, không ít người đã vươn lên trở thành tỷ phú.
Cụ thể như ông Trần Lợi Đức (ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), là một trong những người đầu tiên đến khai phá vùng đất này, hiện ông đang sở hữu và canh tác hơn 150ha đất ruộng cặp 2 kênh T5 và T6.
Hiện nay, ông Đức đang sản xuất theo mô hình trang trại khép kín, trồng chuối, nuôi bò, sản xuất lúa giống, nuôi nuôi cá…; đồng thời, ông ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp, nên mỗi năm thu lợi hàng tỷ đồng.
Hệ thống kênh đi vào hoạt động đã hình thành vùng sản xuất lúa khoảng 125.000ha, góp phần tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo ở khu vực này, gồm 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Chia sẻ cảm xúc lúc gần Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Trần Lợi Đức cho biết, có một lần ông đứng gần nhìn Thủ tướng, sau khi con kênh đã hình thành. Ông nhớ lúc đó vào cuối năm 1997, trời mưa rất nhiều, Thủ tướng xắn quần lên thăm bà con. Bà con nhân dân ở đây rất thấm thía, biết ơn công lao to lớn của Thủ tướng.
Với tầm tư duy chiến lược, tác phong sâu sát, luôn tìm tòi, luôn đột phá, linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tạo ra hệ thống kênh T4, T5, T6 thoát lũ ra biển Tây. Sau khi hoàn thành, ngoài việc thoát lũ nhanh, giảm nước ngập lụt hàng năm, giảm thiểu tác hại của thiên tai, hệ thống kênh thủy lợi này còn tháo chua rửa phèn, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp thuận lợi, hiệu quả, góp phần tăng sản lượng lúa hàng năm của An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, sau khi hệ thống kênh này đưa vào hoạt động, nó không chỉ thao chua, rửa phèn, thoát lũ… mà nó còn có vai trò đưa nước ngọt, phù sa về vùng Tứ Giác Long Xuyên để cải tạo đất; từ đó, đã hình thành vùng sản xuất lúa khoảng 125.000ha, tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo ở khu vực này, gồm 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Từ công trình thoát lũ này, các địa phương đã phát triển thêm hệ thống giao thông, hạ tầng điện nước… Từ đó, dân cư bắt đầu phát triển; hình thành nhiều vùng quê mới; phân bố dân cư khu vực biên giới, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực biên giới Tứ Giác Long Xuyên.
Hiện nay, dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn được khắc ghi trong cuộc sống của mỗi người dân An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Ông không chỉ là một Thủ tướng, mà ông còn là ông Sáu với tính cách thân tình, gần gũi đối với mỗi gia đình và người dân vùng đất này.