Bố tôi là một người rất gia trưởng. Sau khi tôi ra đời, ông vẫn luôn mong mỏi có thêm một đứa con trai để nối dõi, bởi vì tôi là con gái. Nhưng đáng buồn thay, kết quả của sự mong chờ đó là mẹ tôi bị sẩy thai mấy lần, rồi vĩnh viễn không sinh được nữa.
Vì vậy, tôi bất đắc dĩ trở thành đứa con gái duy nhất trong gia đình. Điều này khiến bố và mẹ tôi không thể ngẩng cao đầu với họ hàng. Bố tôi luôn miệng nói có lỗi với tổ tiên. Vào mỗi dịp lễ Thanh Minh, tôi lại lặng lẽ nhìn bố đứng thất thểu bên nấm mộ của ông bà, khóc lóc và thở dài. Mẹ tôi thì đỡ hơn, nhưng thỉnh thoảng bà cũng sẽ nhìn tôi và thở dài, miệng lẩm bẩm rằng nếu như tôi là một đứa con trai thì tốt biết bao.
Khi còn nhỏ, tôi luôn lầm lì. Chính thái độ của bố mẹ khiến tôi muốn khép bản thân vào trong thế giới của riêng mình, chẳng muốn ai động vào. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Bố mẹ chỉ có tôi là đứa con duy nhất nên cũng chu cấp cho tôi đi học bình thường. Trong khi các cô gái khác trong xóm bắt đầu đi làm sau khi học hết cấp 2, bố tôi vẫn cắn răng làm lụng để cho tôi hoàn thành bậc trung học phổ thông. Vì vậy, tôi đã học tiếp lên cấp ba.
(Ảnh minh họa: Kha Ruxury)
Đến tuổi tốt nghiệp cấp 3, mấy cô gái cùng trang lứa lúc này đã lấy chồng, sinh con, bố vẫn tiếp tục cho tôi thi lên đại học. Tôi từng nghe ông nói với mẹ, rằng cả đời này họ không có con trai thì coi như sau này về già phải dựa hết vào tôi. Nếu tôi không có học thức thì họ sẽ không thể có một cuộc sống tốt đẹp: “Hãy tập trung lo cho nó học đại học, đừng nghĩ đến việc chồng con”.
Khi mọi người trong làng cười nhạo bố vì không có con trai, ông ấy sẽ tức giận chạy về nhà, chỉ tay về phía tôi trong sự bức bối như muốn nói gì đó nhưng không nên lời. Qua ngày hôm sau, ông lại ra vẻ từ tốn, đối tốt với tôi hơn. Tôi đã trải qua những ngày thơ ấu sống trong thái độ ngập ngừng của người bố như thế đấy.
Suốt bốn năm đại học, tôi chẳng biết chưng diện, chỉ lo học hành chăm chỉ, phụ giúp bố mẹ tiền học phí bằng những suất học bổng mà mình giành được. Bắt đầu đi làm, vào những kỳ nghỉ Đông và Hè, tôi mang về biếu bố mẹ một ít quà. Bố nghiêm mặt không muốn nhận, nhưng sau này biết con mình kiếm được tiền, ông mới gật đầu đồng ý.
(Ảnh minh họa: Internet)
Tôi đều đặn gửi tiền về cho bố mẹ vào năm đi làm đầu tiên. Sang năm thứ hai, được lên lương nên số tiền cũng tăng lên. Sau đó, bố gọi điện và không cho tôi gửi tiền nữa, ông nói rằng họ vẫn có thể tự kiếm tiền. Vì tôi không phải con trai nên họ không có nghĩa vụ phải lo nhà cửa cho tôi, nên hãy để dành tiền đó mà tự mua đồ cho mình.
Sau này, tôi định mua nhà, bố và mẹ tôi vội chạy lại hỏi xác nhận mua nhà ở đâu. Khi nhìn thấy căn hộ, bố xua tay phản đối. “Tại sao lại chọn căn hộ nhỏ vậy? Chẳng lẽ bố mẹ phải ngủ trong phòng khách của con khi về già?”. Cuối cùng, bố đưa cho tôi một thẻ ATM với số tiền tiết kiệm cả đời của họ. Tôi thấy ông với vẻ mặt buồn bã nhìn ra ngoài cửa sổ, quả nhiên là cả đời này bố không có con trai, chỉ có mỗi tôi là con nên mới đưa cho tôi.
Tôi dùng tiền tiết kiệm của mình và của bố để mua một căn nhà rộng 120m2, khi hoàn thành việc sửa sang thì bố và mẹ tôi cũng dọn về ở chung. Một thời gian sau, tôi kết hôn và có thai. Bố tôi trông cũng không có vẻ gì mặn mà lắm, còn mẹ thì rất háo hức, bảo rằng sẽ giúp tôi trông cháu.
(Ảnh minh họa: Odolfo Quirós)
Nhưng khi tôi vào phòng sinh, lúc bác sĩ thông báo về việc tình trạng của tôi không tốt ra sao và những hiểm nguy phải đối mặt, người bố cả đời vật lộn với việc tôi không phải là con trai đã khóc lóc hết lời, năn nỉ bác sĩ giúp con gái mình (việc này được chồng tôi kể lại).
Thời khắc tôi mở mắt ra, đôi mắt đỏ hoe của ông đập vào mặt tôi, ông nói: "Con tỉnh lại đi, cuối cùng con cũng tỉnh rồi, đừng sinh con nữa, một đứa là được rồi". Lần đó, tôi sinh một bé gái.
Tôi biết, bố thực sự yêu tôi. Chỉ là ý thức hệ mà ông được nuôi dạy và trưởng thành với nó đã khiến ông phải dằn vặt hơn nửa đời người như vậy. Hiện tại, bố mẹ phụ tôi trông con. Hàng ngày, ông bế hết đứa này rồi quay sang chơi đùa với đứa khác (tôi sinh thêm một bé trai), nhưng đứa cháu gái là người gắn bó nhất với bố.
Cái kết của gia đình chúng tôi, ở nơi đó có nụ cười mãn nguyện của bố, thứ mà suốt quãng đời tuổi thơ tôi chưa từng được nhìn thấy, dù đến muộn nhưng thật đẹp và hài hòa.