Công văn số 1384/VPCP-KTTH ngày 25/2 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: “Ngày 18/2/2020, Báo điện tử VTC News có đăng bài: “Một năm CPTPP có hiệu lực: Doanh nghiệp thờ ơ, tỉnh thành “ngó lơ”, trong đó nêu: Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau một năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, chỉ có khoảng 40% số tỉnh, thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành cũng cho biết số lượng các doanh nghiệp trong tỉnh của mình quan tâm đến việc xuất khẩu sang các nước CPTPP còn khiêm tốn, dẫn đến việc tận dụng cơ hội từ CPTPP là hạn chế.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu nội dung bài báo nêu trên để có giải pháp xử lý phù hợp nhằm triển khai, hỗ trợ cho các doanh nghiệp; Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ".
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc xuất khẩu sang các nước CPTPP. (Ảnh minh họa: MOIT)
Trước đó, theo phản ánh của VTC News, chỉ khoảng 40% số tỉnh thành có hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP trong khi số doanh nghiệp quan tâm đến việc xuất khẩu sang các nước thành viên còn khiêm tốn.
Thông tin trên được đưa ra tại Báo cáo kết quả triển khai Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019 của Bộ Công Thương.
“Chỉ có khoảng 40% số tỉnh thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành cũng cho biết số lượng các doanh nghiệp trong tỉnh của mình quan tâm đến việc xuất khẩu sang các nước CPTPP còn khiêm tốn”, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá “kết quả hoạt động xuất khẩu sang các nước CPTPP, đặc biệt là các nước mà Việt Nam chưa có FTA là tích cực".
Đến nay, Bộ Công Thương mới nhận được báo cáo của 58/63 địa phương liên quan kế hoạch hành động về CPTPP.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy hiện có 27/63 tỉnh đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP trong đó đứng đầu là TP.HCM, tiếp theo là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh và Khánh Hòa. Mặt hàng xuất khẩu từ các địa phương sang các nước CPTPP tương đối đa dạng, từ hàng nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ cho đến hàng dệt may, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử…
Nhiều địa phương có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang các nước CPTPP khá cao, ví dụ như Hà Nội (20,8%), Đà Nẵng (gần 40%).
Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu khởi sắc thì hoạt động thu hút đầu tư lại giảm. Theo đó, năm 2019 Việt Nam thu hút được gần 5,9 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm tới 38,8% so với năm 2018. Riêng vốn đăng ký cấp mới chỉ đạt 4,1 tỷ USD, giảm tới 52% so với năm 2018, còn vốn đăng ký tăng thêm cũng giảm tới 69%, chỉ đạt hơn 1 tỷ USD.
Nhật Bản là nước có mức độ sụt giảm vốn đầu tư mạnh nhất, từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tức là giảm khoảng 53%.
Australia và Malaysia cũng là những nước đầu tư vào Việt Nam năm 2019 giảm mạnh so với năm 2018 với mức sụt giảm lên tới 62% và 51%.
Tuy nhiên, nhiều nước chưa có quan hệ FTA với Việt Nam như Canada và Mexico lại ghi nhận mức tăng trưởng khá như Canada (hơn 178 triệu USD, tăng hơn 95%), Mexico (đạt 120 nghìn USD, tăng trưởng gần 1.100%)...
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có khoảng 86% doanh nghiệp đã biết hoặc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu tương đối kỹ về hiệp định. Đây là con số rất khiêm tốn và ảnh hưởng lớn đến việc tận dụng cơ hội của CPTPP từ phía các doanh nghiệp.
Tại diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định CPTPP trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ -Trung” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức sáng 30/8/2019, ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) phàn nàn việc nhiều bộ, ngành chậm trễ trong ban hành kế hoạch hành động triển khai thực thi CPTPP.
Dẫn lại việc Thủ tướng phải nhắc nhở tới 3 lần nhiều bộ, ngành mới gửi báo cáo, ông Khanh cho rằng bộ ngành địa phương vẫn chưa có sự chủ động, thậm chí là nhiều cơ quan chưa hiểu rõ hiệp định nên băn khoăn chưa biết triển khai thế nào, hoặc do e ngại thể chế, động chạm...
“Muốn lợi ích chuyển hóa thành hiện thực thì phải tập trung cải cách thể chế, tức là bộ ngành và địa phương phải tích cực vào cuộc, sửa văn bản pháp luật, sửa quy định cho phù hợp thúc đẩy phát triển”, ông Khanh nói.