Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một huyện 18 trường tiểu học nhưng chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh

Toàn huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có 18 trường tiểu học nhưng hiện chỉ duy nhất 1 giáo viên dạy Tiếng Anh.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), cho hay vấn đề bức thiết mà ngành giáo dục địa phương đang phải đối mặt là việc thiếu trầm trọng giáo viên dạy Tiếng Anh.

Từ năm học 2022-2023, cả nước thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến lớp 3, bắt buộc học sinh phải được học 4 tiết Tiếng Anh/tuần. Năm học này, toàn huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh đang học lớp 3 với 76 lớp. Do đó, theo tính toán, với 4 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, tất cả các trường ở huyện Mèo Vạc cần 10.640 tiết Tiếng Anh/năm học. Ở các khối lớp còn lại đây là môn tự chọn, nếu chưa có điều kiện có thể chưa học. 

Trong khi đó, huyện chỉ có duy nhất một giáo viên Tiếng Anh - tình cảnh mà ông Thư cho là "rối ren nhất của tỉnh Hà Giang". “Các huyện khác dù có thể cũng khó khăn nhưng còn có khoảng vài giáo viên”, vị trưởng phòng nói.

Một giờ học Tiếng Anh của học sinh lớp 3 tại huyện Mèo Vạc với sự hỗ trợ việc dạy trực tuyến bởi thiếu hụt giáo viên.

Theo ông Thư, nguyên nhân việc thiếu hụt giáo viên Tiếng Anh là do trước đây, môn này ở tiểu học chỉ là tự chọn. Từ vài năm nay, khi có chủ trương môn Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc với học sinh lớp 3 ở Chương trình phổ thông mới, công tác chuẩn bị giáo viên cũng được triển khai nhưng vì nhiều lý do mà giáo viên Tiếng Anh vẫn thiếu hụt.

Các lý do như ông Thư cho biết, thứ nhất là thực hiện việc tinh giản biên chế nên dẫn đến thiếu giáo viên nói chung. Thứ hai, cách đây mấy năm, huyện cũng có tuyển được một số nhưng lại phân cho cấp THCS bởi lúc đó môn Tiếng Anh ở bậc học này là bắt buộc. Huyện cũng có chương trình cử giáo viên đi học văn bằng 2, thế nhưng bởi môn này khá đặc thù nên không phải ai cũng học được.

“Mèo Vạc là huyện đặc biệt khó khăn, khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang và là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước. Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên dù chúng tôi muốn tuyển người nhưng cũng khó.

Trước đây, huyện có 2 giáo viên dạy khối tiểu học nhưng họ chuyển công tác về vùng xuôi vào các năm 2020, 2021. Giáo viên Tiếng Anh duy nhất của khối tiểu học hiện công tác trên địa bàn huyện là cô giáo trẻ sinh năm 1995, người Hà Giang. Cô giáo này dạy cho Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc và hỗ trợ cho một số trường lân cận. Chúng tôi cũng mới tuyển được cô giáo này năm 2021. Trước đây, cô từng dạy hợp đồng ở địa bàn khoảng 2 năm”, ông Thư nói.

Còn số lượng giáo viên Tiếng Anh ở cấp THCS của huyện này dù khá hơn, song cũng chưa đáp ứng nhu cầu. 

“Cấp THCS có 18 trường và hiện có 25 giáo viên dạy Tiếng Anh. Số này thực ra cũng chưa đủ theo quy định, song tạm thời còn có thể khắc phục được”, ông Thư chia sẻ. 

Nhờ miền xuôi hỗ trợ miền ngược

Ông Thư cho hay, vấn đề giáo viên Tiếng Anh tạo áp lực cho ngành giáo dục huyện. Ngay từ đầu năm, huyện Mèo Vạc đã phải xây dựng phương án dạy học kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp để làm giải pháp tạm thời, trong bối cảnh thiếu hụt quá nhiều giáo viên như vậy.

Và mới đây, huyện được Trường Marie Curie (Hà Nội) hỗ trợ cho 20 giáo viên dạy trực tuyến cho học sinh khối lớp 3.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc đã đề nghị Trường Marie Curie hỗ trợ dạy trực tuyến 3 tiết/tuần từ điểm cầu Hà Nội, 1 tiết còn lại sẽ do các thầy cô huyện Mèo Vạc phụ trách. “Với 1 tiết này, chúng tôi điều động tăng cường giáo viên cấp THCS xuống dạy hỗ trợ cho tiểu học, chia theo từng xã”.

Theo tính toán, với 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ dạy trực tuyến cho tất cả các trường ở huyện Mèo Vạc là 7.980 tiết/năm học. Kinh phí mà Trường Marie Curie bỏ ra trả lương giáo viên cho việc hỗ trợ này là 160.000 đồng/tiết; như vậy với 7.980 tiết sẽ cần 1,276 tỉ đồng.

Sau khi được trường bạn hỗ trợ, UBND huyện Mèo Vạc đã gấp rút đầu tư trang thiết bị cần thiết để đảm bảo việc dạy học trực tuyến diễn ra hiệu quả, chất lượng nhất.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), nhận định huyện Mèo Vạc đã rất linh hoạt khi tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng. Ông Tài cũng cho hay, hiện nay, nhiều địa phương đã có các biện pháp khác nhau để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, như: điều động, biệt phái giáo viên từ vùng thuận lợi sang vùng khó, từ trường này sang trường khác...

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, để thực hiện việc dạy ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 3 năm học 2022- 2023, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061.

Trong đó, Yên Bái hiện có 132 giáo viên, còn thiếu 148 giáo viên; Tây Ninh có 250 giáo viên, thiếu 105 giáo viên; Lai Châu có 76, thiếu 164 giáo viên; Bình Phước có 189, thiếu 204 giáo viên; Hà Giang có 138, thiếu gần 300 giáo viên….

Bộ GD&ĐT nhìn nhận, việc tuyển dụng giáo viên ở một số địa phương khó khăn do không có biên chế để tuyển dụng; có biên chế nhưng không tuyển được giáo viên do giáo viên không đủ điều kiện về trình độ đào tạo hoặc không có cơ chế thu hút giáo viên. 

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới