Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một học sinh được quỹ BHYT thanh toán hơn 200 triệu đồng chi phí chữa bệnh

(VTC News) -

Tham gia BHYT liên tục đủ 5 năm, một học sinh ở thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An được quỹ BHYT thanh toán với số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng.

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh với số tiến gần 300 triệu đồng là một học sinh có mã thẻ HS480802169xxxx (12 tuổi, trú ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An).

Cụ thể, ngày 8/3/2023, trên đường đi học về, không may em bị tai nạn giao thông và được người nhà đưa lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM.

Sau thời gian dài điều, tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT là 248 triệu đồng, trong đó quỹ BHYT thanh toán 199 triệu đồng và số tiền người bệnh đồng chi trả là 49 triệu đồng.

Học sinh tham gia BHYT sẽ mang lại nhiều lợi ích trong khám, chữa bệnh.

Do có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, ngay sau khi làm thủ tục đề nghị thanh toán trực tiếp phần chi phí đồng chi trả BHYT do vượt quá 6 tháng lương cơ sở trong năm, người nhà bệnh nhân được nhận lại số tiền hơn 40 triệu đồng từ quỹ BHYT.

Như vậy, tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT mà người bệnh được hưởng từ khi tham gia BHYT học sinh lên tới gần hơn 200 triệu đồng. 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT và Công văn số 141/BHXH-CSYT ngày 11/01/2019 của BHXH Việt Nam về việc thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, mà chi phí cùng chi trả trong năm (kể từ ngày tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục) của các đợt đi KCB đúng tuyến vượt quá 6 tháng lương cơ sở nhưng chưa được hưởng quyền lợi ngay tại cơ sở KCB thuộc trường hợp được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp phần chi phí đồng chi trả vượt quá 06 tháng lương cơ sở trong năm.

Hồ sơ thanh toán trực tiếp là các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm: Thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thanh toán và hóa đơn, các chứng từ có liên quan (bản chính).

Sau khi có đủ các giấy tờ này, người bệnh nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để được giải quyết thanh toán chi phí đồng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở, đồng thời được cấp giấy xác nhận không cùng chi trả trong năm đó.

Với quy định này có thể thấy, khi đi khám, chữa bệnh BHYT, người bệnh cần lưu giữ hóa đơn, chứng từ đầy đủ của các lần điều trị để cơ quan BHXH có căn cứ giải quyết chế độ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT.

CHÂU THƯ

Tin mới