Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một đêm cấp cứu 6 ca đột quỵ, đều là người trẻ

(VTC News) -

Chưa đầy 24 giờ, các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu cho 6 người trẻ nhập viện vì đột quỵ.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, từ tối 21/3 đến rạng sáng 22/3 trung tâm tiếp nhận 6 ca đột quỵ trẻ tuổi. Người nhiều tuổi nhất là 45, trẻ nhất là 32.

Trường hợp đầu tiên, người phụ nữ 42 tuổi, quê Yên Bái vào viện lúc 16h45 ngày 21/3 trong tình trạng đau đầu, tê yếu nửa người trái.

Người này có tiền sử đái tháo đường nhiều năm. Nửa tháng trở lại đây chị đau đầu tăng dần, hoa mắt, chóng mặt kèm đau nhức chân 2 bên, điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ.

Qua thăm khám, kết quả MRI não cho thấy, bệnh nhân có huyết khối nhiều ở tĩnh mạch não, tĩnh mạch hai chân trái, phải.

Các bác sĩ chỉ định dùng thuốc theo phác đồ chống đông, may mắn dù huyết khối nhiều tĩnh mạch não, bệnh nhân chưa có biến chứng chảy máu não.

Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ người trẻ nhập viện vì đột quỵ gia tăng.

Bệnh nhân thứ hai nữ 32 tuổi (quê Hưng Yên) nhập viện với triệu chứng liệt nửa người trái hoàn toàn và nói ngọng.

Người phụ nữ được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh. Các bác sĩ dùng thuốc tiêu huyết khối, kết hợp phẫu thuật tái thông động mạch cảnh bằng phương pháp đặt stent nội sọ và Solumbra. 

Hiện người này hết khó nói, còn yếu nhẹ nửa người. 

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 36 tuổi được chuyển từ bệnh viện ở Phú Quốc lúc 20h. Khi đang làm việc tại Phú Quốc, đồng nghiệp phát hiện bệnh nhân liệt nửa người phải và thất ngôn. Anh được điều trị tiêu huyết khối và chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây qua thăm khám bác sĩ xác định người đàn ông bị nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong - não giữa trái giờ thứ 12.

Cùng lúc Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận người đàn ông 32 tuổi, khi đang chơi cầu lông cùng bạn thì đột ngột liệt nửa người trái và thất ngôn.

Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp, chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối, đồng thời tái thông mạch máu cho người bệnh. Nhờ đến viện sớm, điều trị tái tưới máu tích cực bằng cả 2 phương pháp tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết khối, bệnh nhân hồi phục tốt.

PGS Tôn thăm khám cho người bệnh.

Bệnh nhân thứ 5 là nữ 45 tuổi, nhập viện rạng sáng 22/3. Người này có tiền sử hen phế quản, vào viện trong tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người trái.

Chị được chẩn đoán nhồi máu não. Các bác sĩ lóc tách động mạch, đặt stent, can thiệp lấy huyết khối cho bệnh nhân. Ngay sau can thiệp bệnh nhân tỉnh táo, liệt cải thiện rõ rệt, có thể tự đi lại sinh hoạt nhẹ nhàng.

Ca cuối cùng nhập viện lúc 5h25, nữ 40 tuổi hôn mê, đồng tử phản xạ ánh sáng yếu, thở máy được chuyển từ tuyến dưới lên.

Người này có tiền sử tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc. Khi đang làm việc ca đêm chị đột ngột đau đầu rồi rơi vào hôn mê.

Người bệnh được chẩn đoán chảy máu đồi thị phải - cuống não với thể tích máu tụ 60 ml. Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ và khoa Phẫu thuật thần kinh phối hợp liên khoa cấp cứu. Tuy nhiên với lâm sàng hôn mê sâu, vị trí chảy máu nguy hiểm, tiên lượng bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao.

Lưu ý phòng đột quỵ

PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi, người bệnh nền huyết áp, mỡ máu, tiểu đường. Tuy nhiên, với những yếu tố huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, béo phì, thói quen hút thuốc, đột quỵ cũng có nguy cơ xảy ra ở người trẻ.

Để phòng tránh đột quỵ người dân cần:

- Các bạn trẻ nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.

- Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường.

- Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Nguyễn Ngoan

Tin mới