Những ngày mới công bố điểm thi tốt nghiệp THPT này, nhà nhà nói kết quả thi, về chuyện trường nào, địa phương nào có nhiều điểm 10 nhất. Cháu gái tôi đạt điểm 9 môn văn, bảo viết rất tốt nhưng sau khi ra khỏi phòng thi đã nhận ra mình thiếu ý xyz gì đó nên không biết sẽ không “ăn” điểm 10. Kỳ thi này có 2 thí sinh đạt điểm tuyệt đối đó.
Tôi nghe mà băn khoăn. Mặc dù so với các môn khác, điểm 10 của môn văn thuộc dạng hiếm nhưng vẫn là nhiều so với thời chúng tôi đi học. Nhưng điều đáng nói là trong các kỳ thi, các bài điểm 10 hay xấp xỉ 10 không phải do cách viết độc đáo, có ý sáng tạo, đột phá mà là đáp ứng các “gạch đầu dòng” trong barem, không có sai sót. Thật vô lý khi chấm văn theo kiểu này.
Thí sinh làm bài thi. (Ảnh: Zing.vn)
Thời tôi học trung học, những năm 1990, thường điểm cao nhất lớp của bài kiểm tra môn văn là 8. Tôi học chuyên văn nhưng thỉnh thoảng lớp mới có bạn đạt điểm 9 do bài viết quá xuất sắc, được thầy tâm đắc đọc lên trước lớp, khen nức nở mãi không thôi. Điểm 9,5 càng hiếm. Trong đời đi học của tôi hình như mới chỉ chứng kiến 1 điểm 10 môn văn, và bài văn đó đi vào huyền thoại của trường. Điểm 10 này được chấm vì bài lập ý quá độc đáo, thể hiện cách nhìn riêng và văn phong đầy cá tính.
Chấm văn là phải thế, phải coi trọng sự sáng tạo, chứ không thể cứ đủ ý, đúng ý theo barem như cách chấm các môn khoa học được. Chấm kiểu đó, các em chỉ cần học thuộc lòng thật kỹ theo đề cương ôn tập, theo bài giảng thầy cô. Đề ra về tác phẩm này thì phải có những ý này, ra về bài thơ kia thì phải có những ý kia. Viết tốt, luận giải hay nhưng nếu có quan điểm khác dẫn đến không trùng barem thì cũng bị trừ điểm. Thế thì những em điểm cao nhất chưa chắc đã là học sinh giỏi văn đúng nghĩa.
Đừng chấm văn theo kiểu “đếm trứng trả tiền” đó nữa, hãy để môn văn thực sự được là văn.
(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.