Vào những ngày đầu năm mới, các gia đình ở Quảng Đông, Trung Quốc thường chuẩn bị mâm cơm có món pencai, một món hầm, có từ 20 đến 30 thành phần gồm thịt gà, tôm, sò điệp, cho đến các loại nấm.. nấu chung trong một nồi, với ước vọng về một năm mới may mắn, đủ đầy, sung túc.
Đối với người Quảng Đông, món ăn phong phú nguyên liệu này tạo nên một cái tết trọn vẹn. Thành phần tạo nên Pencai mang nhiều ý nghĩa khác nhau, ví dụ như tôm hùm tượng trưng cho rồng. Gà tượng trưng cho phượng. Và vì vậy, pencai thay cho lời chúc và mong ước về một cuộc sống tốt đẹp, gia đình thuận hòa.
Một người dân địa phương chia sẻ: “Trong 20 năm qua, Pencai đã được nâng cấp các thành phần nguyên liệu và đặc biệt trong dịp tết nguyên đán, Pencai gồm nhiều thành phần phong phú và cao cấp hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân chúng tôi giàu có hơn và chúng tôi đang sống rất tốt.”
Mì trường thọ tượng trưng cho lời chúc về sức khỏe hay món há cảo đại diện cho tiền bạc và sự thịnh vượng cũng là những món ăn không thể thiếu trong hầu hết các bữa tiệc năm mới của người Trung Quốc.
Mì trường thọ trong bữa ăn của người Trung Quốc dịp năm mới.
Người Tây Tạng thì đặc biệt chuộng món sủi cảo có tên guthuk được làm cầu kỳ từ 9 nguyên liệu khác nhau, bên trong có thể chứa ớt, gạo, thậm chí là than, len….để tăng thêm điều bất ngờ và thú vị trong mâm cơm ngày tết khi cả nhà ngồi sum họp bên nhau.
Món thịt bò khô, một món ăn vặt khá phổ biến, song lại đặc biệt thịnh hành trong dịp tết không chỉ ở Trung Quốc, mà cả ở Singapore và Malaysia. Món ăn này còn được xem như món quà lý tưởng để biếu tặng cho người thân, bạn bè dịp năm mới.
Mâm cơm ngày tết của người dân các nước Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Indonesia cũng không thể thiếu món Salad cá hay còn gọi là Yu Sheng, món ăn tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng.
Bữa tiệc năm mới của người Philippines thì lại ấn tượng với một đĩa trái cây gồm 12 loại quả tròn được xếp vòng tròn được coi là dấu hiệu cho sự thịnh vượng trong suốt cả năm.
Người Mông Cổ có thói quen dùng các loại bánh bột và sữa ngựa trong dịp năm mới. Trong khi đó, món ttok-kuk, được chế biến từ một loại mì với nước dùng từ bò và gà cùng với món canh bánh gạo Tteokguk (nghĩa là “ăn một năm mới”) là hai món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết của người Hàn Quốc.
Món ttok-kuk của người Hàn Quốc.
Nói đến món ăn cổ truyền ngày Tết ở Thái Lan, phải kể đến món Kralan, món tráng miệng được làm bằng cách nhồi gạo, đậu đỏ và mãng cầu dừa vào 1 ống tre, sau đó nướng trên bếp lửa. Khi bóc ống tre ra, bên trong là các nguyên liệu hòa quyện với nhau, tạo nên hương vị hấp dẫn rất riêng.
Trong những ngày Tết, những món ăn có vẻ đều được chăm chút hơn từ khâu chế biến cho tới hình thức bài trí. Bởi lẽ, trong không khí ấm cúng, quây quần bên người thân trong bữa tiệc năm mới, những món ăn truyền thống cũng giúp con người ta gợi nhắc về gia đình, về cội nguồn, về một cái tết đoàn viên, sung túc.