Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỗi năm Việt Nam có 1.000 trẻ em gái bị xâm hại tình dục

Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái.

Với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái“, chương trình được diễn ra với mục đích huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cá nhân, tổ chức , đặc biệt là nam giới trong việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

 Bạo lực giới là vấn đề đáng quan tâm của nữ giới và nam giới

Hiện tại, thế giới có hơn 700 triệu phụ nữ còn sống đã kết hôn khi còn nhỏ, 250 triệu người trong số đó đã kết hôn trước 15 tuổi. Những cô gái kết hôn trước 18 tuổi ít có khả năng hoàn thành công việc học tập của mình và đồng thời có nhiều nguy cơ về bạo lực gia đình và biến chứng sau khi sinh.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ cuộc điều tra về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy 34% phụ  nữ đã kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng bạo hành về thể xác và tình dục. 58% phụ nữ đã từng chịu ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục.

Điều đáng ngại hiện nay, tình trạng xâm hại bạo lực trẻ em đặc biệt là trẻ em gái diễn biến phức tạp và đang là vấn đề bức xúc toàn xã hội.

Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Đây là đối tượng vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình vừa dễ bị  buôn bán, lạm dụng tình dục.

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới  và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. Tháng hành động sẽ có tác động mạnh mẽ tới các tầng lớp trong xã hội, góp phần xóa bỏ bình đẳng giới, bạo lực đối với trẻ em gái và phụ nữ.

Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe...

Để đạt được những tiến bộ này, Đảng và Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện một số chính sách, pháp luật nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động bình đẳng giới.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn thách thức trong đảm bảo bình đẳng giới giữa nam và nữ, khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Clip: Phản ứng khó tin của mọi người khi chứng kiến cô gái bị người yêu đánh trong thang máy

Đáng chú ý là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động trên toàn thế giới, trong đó có Viêt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới.

Bà Astrid Bant (Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam) cho biết: “Mặc dù có những tiến bộ đáng kể về tình trạng kinh tế xã hội nhưng phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành đang diễn ra phức tạp”.

Bà đặt ra câu hỏi, bạo lực giới là “vấn đề của phụ nữ” hay đó là “vấn đề của nam giới?”.

Trong khi đó, đàn ông đã trực tiếp gây ra bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái thì cũng chính họ là nhân tố chấm dứt các hành vi này.

 

Một nghiên cứu mới của Liên Hợp Quốc về nam giới cho thấy, chúng ta có thể thay đổi thái độ và hành vi phân biệt đối với nữ giới.

Chính những hành vi này là nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực giới và lựa chọn giới tính.

Ông Nguyễn Trọng Đàm (Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội) cũng cho biết: “Đây là năm đầu tiên Việt Nam triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới nhằm giúp mọi người có nhận thức sâu sắc, từ đó, có hành động thiết thực để cùng chung tay xóa bỏ bất bình đẳng giới, hướng tới xã hội văn minh và phát triển”.

Điểm nổi bật trong việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam là hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và tổ chức bộ máy từng bước được nâng cao hơn.

Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái được xem là trở ngại lớn trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới ở Việt Nam.

Ông Đàm khuyên phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các vấn đề của đời sống xã hội.

“Thực hiện bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, Thứ trưởng Trọng Đàm nói.

Lưu Ly

Tin mới