Khi nói đến hai chữ “trào lưu”, nhiều người liên tưởng tới sự xốc nổi nhất thời, với những biểu hiện trên bề mặt, nhưng đừng quên rằng, những bong bóng mỏng manh sủi lên trên bề mặt nồi nước phản ánh đúng bản chất của phần chìm phía dưới: Nhiệt lượng tích tụ phải đủ rồi vượt ngưỡng mới khiến nước sôi trào và bốc hơi.
Phong trào biến mỗi mái nhà thành một lá cờ Tổ quốc là như thế. Xuất hiện tự phát, không cơ quan, tổ chức nào phát động, ý tưởng của ai đó chạm đến trái tim của đồng bào mình khiến nó lan rộng. Nhờ thế mà hình ảnh mặt đất do flycam chụp từ trên cao ở nhiều địa phương cho thấy cảnh lộng lẫy của cờ đỏ sao vàng phủ kín những mái nhà nhấp nhô.
Một bạn trẻ bình luận trên mạng rằng, tim anh “nhói lên niềm kiêu hãnh khi xem những hình ảnh vừa bình dị vừa hùng vĩ ấy, cảm thấy lòng yêu nước và tự hào dân tộc bỗng bừng lên trong tim”. Có lẽ đó cũng chính xác là điều mà những người dân đã và đang sơn quốc kỳ lên mái nhà mình cảm thấy. Cảm xúc này đã kết nối nhiều người Việt Nam, tạo thành làn sóng nhiệt đang lan tỏa ngày một rộng rãi từ hồi tháng 7 và giờ đây càng sôi nổi, hướng tới dịp lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới.
Lá cờ Tổ quốc được vẽ trên một mái nhà dân. (Ảnh: Dân Lệ Thủy)
Việc biến mái nhà thành quốc kỳ không đơn giản như cắm lá cờ lên giá hay vẽ lên mặt mà đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian, chưa kể tiền bạc. Có người mất trọn một ngày trời để biến mái nhà rộng 150m2 thành cờ đỏ sao vàng; có người làm cho nhà mình xong còn sang giúp hàng xóm hoàn thiện lá cờ trên nóc nhà họ; có nhóm thanh niên tập vẽ đi vẽ lại cho đến lúc ưng ý…
Người dân thực hiện việc đó với mục đích vừa giản dị vừa cao đẹp: Thể hiện tình cảm, cảm xúc đang dâng lên trong lòng mình, lan tỏa tinh thần yêu nước và niềm tự hào về đất nước mình, để tạo sự đồng cảm với đồng bào như một cách “nối vòng tay lớn”.
Ngắm quốc kỳ nở hoa trên những mái nhà, trong đầu tôi bỗng vang lên âm hưởng câu nói Chủ tịch Hồ Chí Minh mà hầu như ai cũng thuộc từ thời học sinh: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước; đó là một truyền thống quý báu của ta”.
Những khi có giặc ngoại xâm, “tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Còn trong thời bình, tình yêu nước thể hiện một cách lặng lẽ hơn trong những nỗ lực lao động và sáng tạo, kiến thiết và phát triển, và nhiều lúc sôi trào khi có những hình ảnh, hành động chạm vào cảm xúc, tạo nên sự đồng cảm lớn giữa cộng đồng, như hình ảnh lá cờ Tổ quốc trước thềm Quốc khánh năm nay.
Sự sôi trào cảm xúc đó của tình đất nước cũng tuân theo quy luật chung của tình yêu, đều xuất phát từ trái tim. Sơn hình ảnh quốc kỳ lên mái nhà là một hành động nhỏ, tác động của nó đối với đất nước không tính bằng con số tăng trưởng, nhưng hiệu quả kết nối, tăng sự đồng sức, đồng lòng để Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu lại lớn vô cùng.
Nâng niu từng nét sơn để tạo hình cờ đỏ sao vàng trên mái ấm của mình cũng là cách các công dân thế kỷ 21 thể hiện sự trân trọng khi kế thừa di sản của cha ông, bởi màu cờ tượng trưng cho máu tiền nhân đã đổ xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó cũng là màu của nhiệt huyết để tiếp tục đưa đất nước tiến lên với vị thế ngày một cao trên trường quốc tế.
Thời đại số chứng kiến sự xuất hiện của vô số trào lưu nối tiếp nhau với rất nhiều màu sắc, nhưng trào lưu nào có ý nghĩa sâu sắc, cao cả sẽ có sức lan tỏa mạnh nhất và kết nối được nhiều địa phương, nhiều thế hệ. Hơn cả một trào lưu, cơn sốt “biến mỗi mái nhà thành một lá cờ Tổ quốc” chính là biểu hiện sôi nổi, hồn nhiên và nhiệt thành của tình yêu nước.
Quốc kỳ trên mái nhiều ngôi nhà Việt những ngày này chính là hình ảnh phản chiếu của quốc kỳ trong tim mỗi công dân.
Bạn nghĩ gì về ý kiến này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.