Tỷ lệ tử vong do ung thư trên thế giới đã giảm trong những thập kỷ gần đây nhưng tổng số ca mắc lại tăng lên.
Giải trình tự bộ gene ung thư đã giúp các nhà khoa học xác định các cách tiềm năng để điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên, nhiều đột biến và cơ chế gây ung thư đã áp đảo số lượng phương pháp điều trị hiện có.
Trong khoai tây có chất chống ung thư. (Ảnh: DSM)
Theo Medical News Today, một số phương pháp điều trị mới có liên quan tới các hợp chất thực vật. Một nhóm các hợp chất glycoalkaloid đang là tâm điểm của nhiều nghiên cứu.
Ngày 9/12, Tiến sĩ Magdalena Winkiel (Đại học Adam Mickiewicz, Ba Lan) tuyên bố một phương pháp điều trị ung thư hiệu quả có thể bắt nguồn từ khoai tây. Các tác giả cho rằng glycoalkaloid - hóa chất tự nhiên có trong khoai tây - có một số đặc tính chống ung thư và giúp bệnh nhân đối phó với tác dụng phụ khi điều trị.
Hóa trị có thể tiêu diệt tế bào ung thư nhưng đi kèm với một loạt các tác dụng phụ nặng nề như buồn nôn, rụng tóc và mệt mỏi. Các loại thuốc có nguy cơ tiêu diệt cả tế bào khỏe mạnh trong khi nhắm vào tế bào ung thư.
Điều này đã khiến Tiến sĩ Winkiel và các đồng nghiệp đi tìm các hợp chất mới có tiềm năng hóa trị liệu.
“Các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn đang tìm kiếm các loại thuốc có thể tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời lại an toàn cho các tế bào khỏe mạnh. Điều đó không hề dễ dàng dù y học đã có những tiến bộ và sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật hiện đại. Đó là lý do chúng ta nên quay trở lại với những cây thuốc đã điều trị thành công các bệnh khác nhau từ nhiều năm trước”, Tiến sĩ Winkiel nói.
Các nhà khoa học tập trung vào 5 loại glycoalkaloid mà họ tin rằng có thể phát triển thuốc - solanine, chaconine, solasonine, solamargine và tomatine.
Với liều lượng nhỏ, solanine đã tiêu diệt được tế bào ung thư bạch cầu. Chaconine có khả năng điều trị nhiễm trùng huyết do đặc tính chống viêm…
Mặc dù vậy vẫn cần thêm nghiên cứu để xác định loại nào đủ an toàn để thử nghiệm trên người.
Thực vật thường được sử dụng để chống ung thư, bao gồm cả thuốc hóa trị Paclitaxel, được làm từ vỏ cây. Tiến sĩ Winkiel đánh giá nếu những hóa chất tự nhiên này chưa thể thay thế các loại thuốc hiện có thì liệu pháp kết hợp sẽ làm tăng hiệu quả điều trị.
Mặc dù các hóa chất tìm thấy trong khoai tây có đặc tính chống lại ung thư nhưng không có bằng chứng nào ghi nhận việc ăn một lượng nhất định mỗi ngày sẽ tiêu diệt tế bào ung thư.
Nhóm tác giả cho hay: “Cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để khám phá các liệu pháp điều trị ung thư mới, chọn lọc và ít độc hại. Đồng thời cải thiện hiệu quả của các phương pháp đang áp dụng vì ung thư vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới”.