Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mộc Châu lại đón tết to

(VTC News) -

Năm nay, A Phủ và A Lếnh lại có cơ hội xuống chợ Mộc Châu vui chơi Tết Độc lập, như hồi chưa có dịch COVID-19.

Video: Người Mông xúng xính váy hoa đón Tết Độc lập

Trên con dốc cao, ngoằn ngoèo dẫn vào bản Tà Số (xã Chiềng Hắc, Mộc Châu, Sơn La), có hai cậu bé người Mông đang đi xuống.

Mùa A Phủ, 13 tuổi, học lớp 7, còn Mùa A Lếnh 10 tuổi, học lớp 5. A Phủ và A Lếnh bảo đang trên đường đến bản Tả Phình gần đó. “Bên ấy có thi bóng đá, bóng chuyền. Sang xem cho vui, còn có nhiều bạn gái nữa”, A Phủ bảo. Cậu nói rất háo hức vì hai năm qua ở Mộc Châu không tổ chức các hoạt động vui Tết Độc lập. “Vì có dịch mà”, A Phủ giải thích.

Năm nay dịch vãn, khắp nơi ở Mộc Châu vào dịp Quốc khánh lại rộn ràng không khí lễ hội. A Phủ bảo mẹ đã chuẩn bị áo mới cho cậu đi chơi thị trấn Mộc Châu. Còn ở nhà, từ ngày 31/8 đến 2/9, mỗi ngày thịt hai con gà ăn tết. “Nhà thằng này đông khách, Tết Độc lập nào cũng thịt tới 15 con gà”, A Phủ chỉ tay sang A Lếnh đang cười bẽn lẽn.

Ảnh trên: A Lếnh rất háo hức vì sắp được đi chơi chợ Mộc Châu
Ảnh dưới:   Bản Tà Số (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) là vùng đất “cao nguyên của cao nguyên”, được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng

Nhà nhà chơi tết

Đường vào Tả Phình, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, hôm nay nhộn nhịp khác thường. Các cô gái xúng xính váy áo mới, đỏ rực cả mọi nẻo đường trong cái lạnh se se của miền cao nguyên.

Cả nhà Vàng A Páo rục rịch chuẩn bị Tết Độc lập (ngày 2/9 hằng năm) từ sáng sớm. Nhà Páo khấm khá, xe máy, ti vi, xe bán tải, gì cũng có. Nhà có gần 1.000 gốc mận, cho thu nhập trung bình 700-800 triệu đồng mỗi năm. Hôm nay, hai vợ chồng đi chơi Tết Độc lập ở thị trấn Mộc Châu, cách thôn 20 km, nhưng mỗi người sẽ đi một nơi. “Tao đi với bạn tao, nó đi với bọn con gái trong thôn”, Páo, 28 tuổi, nói.

Hôm nay, bố mẹ Páo ở nhà trông con cho hai vợ chồng đi chơi tết. “Già rồi, ở nhà trông cháu với uống rượu thôi”, ông Vàng A Lử, bố Páo, bảo.

Tối mùng 1, người Mông đi từng đoàn trên các con phố của thị trấn Mộc Châu. Các cô gái Mông ngồi theo nhóm trên hè phố, kề cận là không ít chàng trai. Người Mông rất tự nhiên trong bày tỏ tình cảm. Cậu nào “ưng cái bụng” cô nào thì nhảy vào cầm tay, gợi chuyện. Nắm được tay mà đối phương để yên là "coi như xong".

Nửa đêm, đường phố vẫn đông nghịt. Mặc những người trẻ hăng say tìm bạn, nhiều phụ nữ cao tuổi cùng bọn trẻ con hồn nhiên nằm ngay hè phố mà ngủ.

Đó là dịp Tết Độc lập 2019, chỉ ít tháng trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Hai năm rồi, nay đồng bào Mông ở Mộc Châu mới lại có cơ hội vui một cái Tết Độc lập trọn vẹn.

Mộc Châu có khoảng hai vạn người Mông, gồm ba nhóm chính: Mông Lếnh, Mông Đu, Mông Đơ, sinh sống ở 56 bản của 12 xã, thị trấn. Không ai rõ việc ăn Tết Độc lập của bà con người Mông có từ bao giờ.

Ông Pua, nguyên là cán bộ huyện Mộc Châu, hiện làm nghề cắt tóc, kể rằng, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, một số thanh niên Mông xuống thị trấn Mộc Châu chơi nhân dịp Quốc khánh. Họ mang loa đài tổ chức ca hát, nhảy múa ngay trên phố.

Dần dần, nhiều người Mông theo lệ này. Ngày 2/9/2003, số người Mông đổ về thị trấn lên đến cả chục nghìn người. “Bí thư tỉnh ủy Sơn La lúc bấy giờ là ông Thào Xuân Sùng quyết định biến hoạt động tự phát này thành lễ hội hàng năm”, ông Pua kể. Ngày Tết Độc lập, hầu hết thanh niên Mông ở Mộc Châu đều đi chơi. Họ đi từ chiều 31/8 cho đến sáng 2/9. Ai chưa vợ chưa chồng thì đi tìm bạn, tìm người yêu.

Con đường dẫn vào bản Tà Số rực rỡ cờ đỏ sao vàng

Bản làng bừng sắc đỏ

Hai bên đường dẫn vào bản Tà Số hôm nay đâu đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng lẫn với cành đào, cây mận. Đường bê tông rải vào tận cổng. Khá nhiều nhà sắm được ô tô đời mới đủ loại, nào Toyota Raize, nào bán tải Triton, Hilux hai cầu. Quán tạp hóa bán gói thuốc lá cũng sẵn sàng nhận trả tiền qua tài khoản ngân hàng.

Bên chái nhà gỗ cao ráo có ăng ten chảo K+ là gara ô tô của gia đình trưởng bản Mùa A Của. A Của, sinh năm 1979, bảo anh sắm chiếc xe bán tải hai cầu hiệu Triton này với giá 350 triệu đồng, đã dùng đến nay tròn hai năm.

“Mấy năm qua, Nhà nước đầu tư xây dựng đường sá tới bản, tới tận cổng nhà nên đi lại giờ dễ lắm”, trưởng bản Của bảo. Gia đình A Của có khoảng 500 gốc mận, mỗi năm cho thu về khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí. “Trung bình ở đây mỗi nhà cũng có vài trăm gốc mận. Có nhà đầu tư lớn, có cả nghìn gốc, mỗi năm thu về gần tỷ đồng”, A Của nói.

Anh cho hay bản có khoảng 200 hộ gia đình. Xưa trồng ngô, đời sống khó khăn. Nay chuyển đổi, chủ yếu trồng mận lấy quả, trồng đào tết bán cành, thu nhập gấp 3-4 lần khi xưa.

Trong bản cũng có một số nhà làm du lịch cộng đồng (homestay) đấy. Giờ có đường bê tông, bán mận, bán đào, rồi các loại nông sản khác như hạt sa nhân, cũng rất dễ dàng”, trưởng bản 43 tuổi nói.

Vợ chồng A Của có hai con. Con gái đã lấy chồng, còn con trai cả Mùa A Hồ sinh năm 1998 đã học xong cao đẳng ngành công tác xã hội. Vợ chồng A Của đèo nhau xuống Mộc Châu chơi Tết Độc lập từ 31/8, rồi sáng mùng 1/9 sẽ quay về bản. Còn con trai A Hồ phải đến sáng 2/9 mới về nhà.

Hai năm rồi không được đi chơi tết Mộc Châu, năm nay háo hức lắm”, A Hồ bảo. Anh chàng nói sẽ xuống gặp bạn bè ở thị trấn Mộc Châu, việc quan trọng khác là tìm bạn gái.

Các thế hệ trong gia đình Mùa Thanh Thúy

Chúng tôi dừng xe tại một ngôi nhà ba gian nằm cạnh cánh đồng. Trước sân nhà, Mùa Thanh Thuý vừa ẵm đứa con 10 tháng tuổi vừa đan khăn. Thuý, 20 tuổi, bảo sẽ đi chơi qua mùng 2/9 mới về vì “năm nay bản Tà Số không tổ chức Tết Độc lập, tất cả đều đổ về chợ huyện Mộc Châu”.

Vợ chồng Thuý dự định gửi con cho bà ngoại rồi đi xe máy gần 30 cây số xuống chợ huyện. “Hai năm gần đây, chúng em không xuống được chợ huyện vì dịch COVID-19. Chúng em phải qua bản Tả Phình chơi, năm nay may quá có Tết ở Mộc Châu nên mọi người hào hứng lắm. Hàng tháng trước, chúng em đã thu xếp mọi việc nhà để dành hẳn mấy ngày đi chơi”, bà mẹ trẻ kể.

Thuý bảo, năm nào cũng thế, vào chiều 1/9, người Mông xuống núi đứng chật các con đường, ngõ phố, xe không đi được. “Em đi chơi với bạn của em, còn chồng sẽ đi chơi với bạn của chồng".

Gia đình trưởng bản Mùa A Của

Ngày hội văn hóa các dân tộc

Từ ban đầu với những hoạt động của một số bà con người Mông vào dịp Quốc khánh, tết độc lập ở Mộc Châu nay đã trở thành ngày hội của các dân tộc trong vùng.

Theo ông Phạm Duy Hải, Chánh Văn phòng UBND huyện Mộc Châu, sau hai năm hủy vì dịch COVID, năm nay, UBND huyện đã sớm công bố kế hoạch tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2022.

Theo kế hoạch này, trung tâm huyện dịp Quốc khánh năm nay sẽ có các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn đường phố, bóng đá, hội trại các dân tộc, thi ẩm thực, trình diễn văn hóa…

A Hồ, con trai trưởng bản Mùa A Của bảo, anh chàng đi chơi Tết Độc lập từ năm 17 tuổi, tức là từ 2015. “Ngày xưa cứ dịp ấy là người Mông kéo về Mộc Châu. Việc đầu tiên ai cũng làm là đi ăn phở. Rồi sau đó mới đi tìm bạn”, A Hồ nói. “Nhưng giờ thì có thêm rất nhiều thứ để xem, vui lắm”.

Nguyễn Xuân Thuỷ - Phạm Đắc Huy

Tin mới