Theo War Zone, những bức ảnh xác máy bay tàng hình không người lái (UCAV) S-70 Okhotnik-B của Nga gặp sự cố ở vùng Donetsk hôm 5/10 cho thấy phương tiện bay này được trang bị vũ khí khi đang hoạt động trên không phận Ukraine. Đây cũng là bằng chứng hiếm hoi S-70 tham chiến ở Ukraine, bao gồm cả nhiệm vụ chiến đấu.
Cũng theo War Zone chiếc S-70 gặp sự cố là nguyên mẫu thứ 4 của dòng UCAV, nó bị một tiêm kích tàng hình Su-57 khác của Nga bắn hạ sau khi UCAV mất kiểm soát và bay sâu vào không phận Ukraine.
Ảnh vỡ được cho là tên lửa UMPB D-30SN được tìm thấy bên trong xác S-70 rơi ở vùng Donetsk hôm 5/10.
Các đoạn video được nhân chứng ghi lại cho thấy Su-57 bắn hạ S-70 bằng tên lửa không đối không, chiếc UCAV nổ tung và bốc cháy rơi dần xuống đất. Tuy nhiên đòn tấn công không phá hủy S-70 hoàn toàn, nhiều bộ phận của UCAV vẫn còn nguyên vẹn sau khi rơi xuống đất.
Một trong số bộ phận của S-70 còn nguyên vẹn là phần cánh chính và một số linh kiện khác.
Tuy nhiên điều khiến giới chuyên gia quan tâm hơn là trong xác máy bay S-70 xuất hiện một vật thể giống bom dẫn đường UMPB D-30SN. Mẫu tên lửa này chưa từng xuất hiện trong danh sách trang bị của S-70.
So với các mẫu bom UMPK, UMPB D-30SN được đánh giá hiện đại hơn và luôn là "cơn ác mộng" cho phòng không Ukraine kể từ khi mẫu bom này được đưa vào sử dụng đầu năm 2023.
Thiết kế của UMPB D-30SN gần giống với bom dẫn đường đường kính nhỏ GBU-39 của Mỹ. Mẫu bom mới của Nga được cho là sử dụng hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh và vẫn chưa rõ vũ khí này được lập trình tọa độ của mục tiêu sau khi máy bay cất cánh hay không. Tầm bắn của UMPB D-30SN hiện vẫn là một ẩn số.
Xác tên lửa UMPB D-30SN được Ukraine thu giữ sau một đợt không kích của Nga vào tháng 3/2024.
Việc tích hợp UMPB D-30SN cho S-70 được xem là phù hợp khi dòng UCAV có thiết kế tàng hình với các giá treo vũ khí được ẩn bên trong thân máy bay. Bản thân UMPB D-30SN cũng có thể tích hợp cho tiêm kích tàng hình Su-57.
Cho đến nay, có rất ít thông tin cụ thể về vũ khí S-70 có thể hoặc sẽ mang theo, mặc dù Bộ Quốc phòng Nga từng cho biết UCAV có thể thực hiện các nhiệm vụ không đối không. Còn về tính năng cơ bản S-70 phù hợp với nhiệm vụ trinh sát tầm cao và hỗ trợ hỏa lực cho mặt đất.
UMPB D-30SN là loại vũ khí tương đối mới có thể được phát triển để đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến ở Ukraine, cụ thể là nhu cầu về vũ khí tấn công tầm xa giá rẻ có khả năng dẫn đường chính xác.
Tuy nhiên, War Zone cũng có một khả năng khác đó là UMPB D-30SN được tìm thấy gần xác S-70 là do một máy bay khác của Nga ném xuống nhằm phá hủy hoàn toàn UCAV này. Hành động này là cần thiết bởi nếu Ukraine hoặc NATO tiếp cận được các bộ phận quan trọng trên S-70 họ sẽ nắm được công nghệ tạo nên UAV hiện đại nhất của không quân Nga.
UCAV S-70 trong một lần thử nghiệm vũ khí hiếm hoi. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Bất kể nguyên nhân khiến Nga phải tự tay bắn hạ S-70 là gì thì việc UCAV có thể hoạt động tự do mà không bị phát hiện bên trong không phận Ukraine đã là một thành công. Phòng không Ukraine với sự hỗ trợ của phương Tây không ngừng được mở rộng đang tạo ra nhiều mối đe dọa đối với không quân Nga, sự xuất hiện của S-70 cùng bom UMPB D-30SN có thể xem là một giải pháp an toàn.
Hiện nay vẫn chưa rõ không quân Nga có trong biên chế bao nhiêu chiếc S-70, các thông tin trước đó là bốn nguyên mẫu. Nguyên mẫu thứ 4 đã bị bắn hạ trong sự cố ngày 5/10.
Đề án phát triển UAV trợ S-70 Okhotnik được tập đoàn Sukhoi được cho là bắt đầu từ năm 2011, nguyên mẫu máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 3/8/2019.
S-70 được chế tạo bằng vật liệu composite chuyên dụng, có thể giống với loại dùng để chế tạo Su-57. Mỗi chiếc có chiều dài 14m và sải cánh 20m, khối lượng gần 20 tấn, gần gấp đôi tiêm kích MiG-29 hoặc F-16, cũng như gấp 4 lần các loại UAV tương tự như X-47B Mỹ.
Okhotnik được thiết kế để hoạt động cùng tiêm kích tàng hình Su-57, thay thế máy bay có người lái trong những nhiệm vụ nguy hiểm. Okhotnik lần đầu bay cùng Su-57 trong thử nghiệm kéo dài 30 phút hồi tháng 9/2019, trong đó hai phi cơ bay theo biên đội với giãn cách vài mét.