Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc (huyện Thạch Hà) với tổng diện tích đất sử dụng của dự án hơn 4.800 ha.
Giai đoạn 2008-2011, chủ đầu tư đã cho bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34 m so với mực nước biển, thu hồi khoảng 3.000 tấn quặng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông do vướng mắc về huy động và góp vốn, dẫn đến hệ lụy như: Chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư.
Gần 10 năm bất động, đến nay dự án vẫn chưa được tái khởi động trở lại. Trong ảnh là cổng chính ra vào cửa xí nghiệp khai thác mỏ vẫn đóng kín, một số máy móc dùng khai thác dự án trước kia nay tập kết trong khuôn viên nhà điều hành, phơi mưa phơi nắng.
Một số khu nhà điều hành, nhà ở công nhân bỏ hoang, hư hỏng.
Bên trong khuôn viên xí nghiệp khai thác này có nhiều ôtô tải, xe cẩu, xe bồn qua nhiều năm không sử dụng, thùng bị gỉ sét.
Nhiều đoạn đường ống dùng khai thác và trạm cung cấp nhiên liệu cũng phải đóng cửa vì dự án tạm dừng.
Theo bảo vệ khu xí nghiệp khai thác, rất nhiều máy móc tại đây đã được di chuyển vào các tỉnh Tây Nguyên để làm cầm chừng nhằm tránh hỏng hóc, gây lãng phí.
"Trước khu vực này có hàng trăm người làm việc, mỏ dừng nên mọi người đi khắp nơi tìm việc làm, chỉ còn hơn chục người thay nhau bảo vệ máy móc, khuôn viên", một bảo vệ nói.
Còn một số máy móc phục vụ khai khoáng cũng bất động, chất đống trong khu xí nghiệp.
Kho vật tư, phòng trang thiết bị khóa kín.
Phía sau khu vực nhà điều hành mỏ sắt có bãi tập kết quặng. Theo người có trách nhiệm bảo vệ, thành phần quặng sắt ở mỏ Thạch Khê đạt đến 65%, với trữ lượng lớn, nếu không khai thác là điều đáng tiếc.
Dù là khu vực cấm vào vì nguy hiểm, có hồ nước sâu song người dân các xã Đỉnh Bàn, Thạch Khê, Thạch Hải... thường lùa trâu bò vào khu vực mỏ sắt chăn thả.
Khu vực mỏ nay chỉ còn lại vũng nước sâu, để đảm bảo an toàn, chủ đầu tư đã cắm biển cảnh báo người dân hạn chế qua lại khu vực.
Tuy nhiên, một số người dân vẫn lại gần các hồ nước đọng xung quanh mỏ để câu cá.
Nhiều ống nhựa cỡ lớn dài hàng trăm mét nối từ trong bờ ra moong mỏ phục vụ thi công trước đây, hiện chưa thu dọn.
Khu vực mỏ có nhiều nhà cấp bốn của người dân trong diện giải tỏa nhưng chưa phá dỡ. Theo tính toán ban đầu, dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 5.000 hộ dân, phải di dời gần 4.000 hộ. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới di dời hơn 100 hộ dân và giải phóng mặt bằng hơn 830 ha. Dự án “đắp chiếu” nhiều năm nay đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đời sống của người dân trong vùng dự án.
Mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh (chấm đỏ). (Ảnh: Google Maps)
Mỏ được phát hiện từ năm 1960 với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Đây được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Khu vực này cách bờ Biển Đông 1,6 km.
Cuối năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần có báo cáo gửi Trung ương đề xuất tạm dừng dự án vì cho rằng công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn.