Đóng nắp bồn cầu sau khi đi vệ sinh và trước lúc ấn nút xả nước là điều được các chuyên gia về vệ sinh khuyến cáo, nhưng thực tế lại bị rất nhiều người bỏ qua. Người ta xem thường động tác nhỏ này vì không đánh giá đúng tầm quan trọng cũng như ảnh hưởng thực sự của nó. Thậm chí một số người còn cho rằng việc đóng nắp không thật sự cần thiết.
Câu trả lời chính xác là nên đóng nó lại sau mỗi lần đi vệ sinh, bất kể là đại tiện hay tiểu tiện. Nguyên nhân là khi xả bồn cầu, áp lực nước sẽ sẽ làm vi khuẩn, vi sinh vật bên trong bắn ra ngoài không khí. Chúng sẽ bám vào bàn chải đánh răng, khăn tắm và các đồ vệ sinh cá nhân khác trong phòng tắm.
Chia sẻ trên trang Today Home, TS Janet Hill, nhà vi trùng học, thành viên Hội đồng Nghiên cứu thực vật Quốc gia Canada, cho biết: “Những giọt lớn hơn và khí dung có thể không di chuyển quá xa phía trên hoặc xung quanh nhà vệ sinh, nhưng những giọt rất nhỏ có thể lơ lửng trong không khí một thời gian.
Bồn cầu chứa vi khuẩn và các vi sinh vật khác từ phân, nước tiểu và thậm chí có thể là chất nôn mửa, và chúng sẽ tồn tại một ít trong các giọt nước. Mỗi gram phân người chứa hàng tỷ tỷ vi khuẩn, cũng như virus và thậm chí một số loại nấm. Cách dễ nhất để chúng không bao phủ phòng tắm của bạn là đóng nắp bồn cầu lại”.
Nên đóng hay mở nắp bồn cầu sau khi đi vệ sinh? Câu trả lời chính xác là nên đóng nó lại. (Ảnh: Ideal Home)
Rất nhiều loại vi trùng và mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cũng đã được tìm thấy trong nhà vệ sinh, bao gồm virus cúm, khuẩn E. coli, khuẩn salmonella, virus viêm gan A và virus gây bệnh zona.
Trong đó, khuẩn E.coli gây ra các vấn đề về đường ruột, các triệu chứng tiêu chảy, sốt, nôn hay nặng hơn là trụy mạch, rối loạn tuần hoàn, suy thận. Chúng xâm nhập các mạch máu làm tổn thương tim, thận, não...
Chính vì vậy, đừng bao giờ băn khoăn là nên đóng hay mở nắp bồn cầu sau khi đi vệ sinh; hãy đóng nắp bồn cầu lại bất kể bồn cầu nhà bạn sạch đến đâu. "Bồn cầu có nắp là có lý do", Hill nói. "Nó giúp không gian xung quanh được vệ sinh, và bảo vệ chính sức khỏe của con người".
Khi xả bồn cầu, áp lực nước sẽ sẽ làm vi khuẩn, vi sinh vật bên trong bắn ra ngoài không khí. (Ảnh: Science I HowStuffWorks)
Một số lưu ý khác để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn từ bồn cầu:
- Để bàn chải đánh răng hay các sản phẩm vệ sinh cá nhân khác ở vị trí cách xa bồn cầu.
- Nếu sử dụng nhà vệ sinh công cộng, sau khi bấm nút xả nước, bạn phải đi ra ngoài ngay. “Nếu bạn đang ở trong nhà vệ sinh công cộng, hãy giữ sạch sẽ nhất có thể bằng cách không cúi xuống bồn cầu khi xả nước và rửa tay ngay sau đó”, TS Janet Hill khuyên.
- Việc làm sạch nhà vệ sinh cũng như bồn cầu hằng ngày để giữ cho mọi thứ sáng sủa và ngăn chất bẩn tích tụ, giúp nhà vệ sinh không có mùi khó chịu hay tồn tại những vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
Nếu nhà bạn có tấm rèm bồn tắm, hàng tuần hãy tháo rời chúng để giặt sạch rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Còn với sàn nhà, ngay cả khi chúng sẽ sớm ướt trở lại, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dùng nên lau khô sau mỗi lần sử dụng nhằm phòng tránh các loại vi khuẩn, nấm mốc. Trước khi để khô, hãy vệ sinh nó với các loại nước tẩy rửa chuyên dụng và dùng bàn chải, chổi cọ để vệ sinh kỹ.
Nếu dưới sàn nhà vệ sinh, nhà tắm có những tấm thảm, tốt hơn hết cũng nên giặt chúng và phơi khô.
Không chỉ những vật dụng trong nhà vệ sinh mà bất cứ thứ gì xung quanh chúng ta cũng tồn tại một lượng vi khuẩn nhất định. Điều duy nhất chúng ta có thể làm để khắc phục là chăm chỉ vệ sinh, dọn dẹp hàng ngày và thay thế ngay khi chúng có dấu hiệu hỏng hóc, nấm mốc.
- Không làm khô bàn chải cọ bồn cầu: Nếu bàn chải cọ bồn cầu luôn ẩm ướt, nó sẽ là nơi trú ngụ tuyệt vời của vi khuẩn. Bởi vậy sau mỗi lần sử dụng, hãy làm khô bằng mọi cách.
- Không khử trùng bàn chải cọ nắp bồn cầu: Hai tháng một lần, cần khử trùng bàn chải cọ bồn cầu để loại bỏ vi khuẩn.
- Dành nhiều thời gian ngồi trên bồn cầu: Nhiều người có thói quen cầm theo điện thoại để đọc báo, lướt internet mỗi khi đi vệ sinh. Tuy nhiên các bác sỹ cảnh báo, việc dành thời gian quá lâu cho việc đi vệ sinh rất có thể gây ra bệnh trĩ.