Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mở cửa du lịch 1 tháng, Đà Nẵng chưa đón được đoàn khách quốc tế nào

(VTC News) -

Sau hơn 1 tháng mở cửa đón khách du lịch nội địa và thí điểm đón khách quốc tế, du lịch Đà Nẵng vẫn rất ảm đạm, chưa có đoàn khách quốc tế nào đến thành phố.

Hiện nay, tất cả các khu, điểm du lịch tại Đà Nẵng chưa đón đoàn khách du lịch quốc tế nào dù thành phố đã mở cửa, lên phương án chi tiết.

Các khu du lịch vắng lặng

Ghi nhận của PV VTC News, tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng… dù đã mở lại từ lâu và miễn phí vé tham quan cho du khách nhưng không khí vắng lặng, đìu hiu.

Bảo tàng Đà Nẵng, hơn 1 tháng mở cửa chỉ có khoảng 300 khách tham quan, trong đó chủ yếu là công dân của thành phố, lác đác vài khách trong nước và không một đoàn khách nước ngoài.

Ông Trần Đình Hà, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, hơn 1 tháng qua, lượng khách ghé tham quan bảo tàng rất ít và cũng chỉ là người Đà Nẵng. Bảo tàng mở cửa để duy trì các hoạt động, chỉ hy vọng dịp cuối năm và đầu năm mới 2022 sẽ khởi sắc hơn.

Đại diện Ban Quản lý Khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, từ khi mở cửa đến nay số lượng du khách đến khu danh thắng tham quan rất ít và chủ yếu cũng chỉ là người dân thành phố chứ không có khách nước ngoài.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng mở cửa đón khách nhưng vẫn vắng lặng.

Theo bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Truyền thông-Marketing Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, dự kiến ban đầu, khu du lịch sẽ mở cửa đón khách từ ngày 2/12. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh có những diễn biến mới với số ca mắc COVID-19 những ngày gần đây tăng nên kế hoạch này phải tạm dừng vì không có khách.

Bây giờ chúng tôi cũng chưa quyết định thời gian chính thức sẽ mở cửa trở lại mà chỉ tạm dự tính khoảng từ ngày 8/2/2022 nhưng cũng phải dựa vào tình hình diễn biến dịch bệnh thì mới có quyết định cuối cùng”, bà Hương cho biết.

Các khu du lịch vắng khách, hệ thống khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng cũng trong cảnh đìu hiu. Ngoại trừ một số khách sạn lớn duy trì hoạt động, đón một vài đoàn khách MICE, còn lại hầu như vẫn đóng cửa.

Theo Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng, đến thời điểm này vẫn còn hơn 90% doanh nghiệp chưa mở cửa và chỉ hoạt động theo tiến độ khôi phục của nguồn khách.

Chưa có đoàn khách quốc tế nào

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng mở cửa đón khách quốc tế là tín hiệu rất lạc quan sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, không riêng Đà Nẵng mà các địa phương được phép đón khách quốc tế cũng đang gặp khó khăn rất lớn. Khách quốc tế có một độ trễ khi đi du lịch. Nghĩa là khi chúng ta bắt đầu có chủ trương đón khách thì họ phải mất vài tháng tìm hiểu trước khi quyết định đi du lịch. Đến hiện tại thì các doanh nghiệp vẫn chưa ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường khách lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có thông báo khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký lộ trình mở cửa để vừa đảm bảo đủ dịch vụ phục vụ du khách, vừa đảm bảo được phục vụ hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp mở cửa phải đứng trước cân nhắc là phải sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng, chi phí nhân công. Nếu nguồn khách không đảm bảo thì doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ. Nếu không mở cửa thì thương hiệu sẽ suy giảm, lao động hao hụt, cơ sở xuống cấp. Nên có những khó khăn nhất định”, ông Dũng nhìn nhận.

Các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng ở Đà Nẵng chỉ thu hút số ít khách nội địa, không có đoàn khách quốc tế. 

Lý giải nguyên nhân Đà Nẵng chưa đón đoàn khách quốc tế nào sau 1 tháng mở cửa, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay thành phố có những khó khăn, khác biệt so với các địa phương khác.

Cụ thể, Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Quốc có các khu vực biệt lập để hình thành tổ hợp lưu trú, giải trí riêng biệt cho khách du lịch quốc tế theo chương trình trọn gói khép kín, còn Đà Nẵng thì các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phân bố rộng khắp trên toàn địa bàn thành phố.

Vì vậy Đà Nẵng phải tổ chức tiếp nhận hồ sơ và thẩm định, xét chọn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đủ điều kiện phục vụ khách quốc tế tại. Công đoạn này cần thời gian để các doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng phương án đón khách phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại tình hình dịch bệnh, lượng khách ít, chi phí phát sinh cao nên cũng còn cân nhắc vấn đề mở cửa hoạt động trở lại trong giai đoạn này, chủ yếu là các khu, điểm du lịch.

Theo ông Bình, ngành du lịch đang phải đối mặt với tình hình bùng phát dịch trở lại trong nước và một số nước trên thế giới. Hiện có hơn 40 quốc gia trên thế giới xuất hiện biến chủng mới Omicron, trong đó có các thị trường lớn của du lịch Đà Nẵng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á (Singapore, Malaysia).

Cùng với đó là sự siết chặt về vấn đề xuất nhập cảnh của một số nước nên gây tác động lớn đến ý định đi du lịch nước ngoài của du khách và làm gián đoạn kế hoạch tổ chức các chương trình du lịch theo mô hình thí điểm trọn gói khép kín của các doanh nghiệp lữ hành”, ông Bình nói.

Rào cản “du lịch khép kín”?

Theo bà Lê Thị Bích Hương, thực tế để đón khách du lịch quốc tế trong thời điểm hiện nay là rất khó vì những quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch.

Hiện chúng tôi chưa đăng ký tham gia đón khách quốc tế vì để thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch là rất khó. Các quy định về tour du lịch của khách quốc tế đến thành phố là du lịch khép kín nên có nhiều bất cập mà để xử lý được điều này thì không thể ngày một ngày hai hay một vài tháng. Doanh nghiệp rất lo lắng vì nếu để xảy ra dịch và lây lan dịch thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm”, bà Hương cho biết.

Nhiều hãng phục vụ dịch vụ vận chuyển khách du lịch tại Đà Nẵng vẫn chưa trở lại hoạt động.

Cùng quan điểm, ông Phan Văn Tâm, Công ty du lịch Lạc Gia cho rằng, nếu chúng ta vẫn tiếp tục yêu cầu cách ly tập trung và thực hiện “du lịch khép kín” thì sức cạnh tranh của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ giảm, thậm chí đánh mất cơ hội phục hồi, phát triển ngành du lịch.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng có khoảng cách khá xa từ mong muốn của Chính phủ, chính sách được công bố và thực tế triển khai. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải mở cửa giao thông, dịch vụ, tiện ích xã hội mới mở cửa du lịch được, nghĩa là mở lại tất cả dịch vụ trong điều kiện bình thường mới thì mới phục hồi du lịch.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, lộ trình đón khách quốc tế có thu hút được khách hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, nhất là tâm lý du khách còn dè dặt với dịch bệnh. Đà Nẵng phải kiểm soát được dịch mới nghĩ đến đón khách.

Mong muốn của doanh nghiệp thì rất lớn, nhưng có phục hồi như thế nào thì kịch bản lạc quan nhất vẫn là đến năm 2024 du lịch mới có trở lại như năm 2019, còn nếu dịch bệnh vẫn kéo dài như hiện nay thì chắc phải đến năm 2025”, ông Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, trong giai đoạn hoạt động du lịch quốc tế bắt đầu mở cửa trở lại và thích ứng theo tình hình mới, việc tổ chức đón và phục vụ du khách cần thận trọng, yếu tố an toàn vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu.

Hệ thống khách sạn ven biển Đà Nẵng vẫn chưa sẵn sàng mở cửa trở lại.

Do đó, chương trình du lịch khép kín là giải pháp được Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn thực hiện trong giai đoạn đầu thí điểm đón khách quốc tế. Các địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm sẽ thuận lợi cho việc quản lý và kiểm soát các rủi ro, đảm bảo về công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động ngành du lịch và cộng đồng dân cư.

Chương trình du lịch khép kín đang được xem là giải pháp tối ưu để tạo tiền đề cho du lịch dần khôi phục trong bối cảnh phải thích ứng với COVID-19 trong thời gian đến.

Cùng với đó, việc thực hiện và truyền thông về các chương trình du lịch đến khách cần quá trình và thời gian để khách du lịch lựa chọn đăng ký tham gia, do đó các chương trình đón khách dự kiến của các đơn vị đều bắt đầu từ cuối tháng 12/2021 và tập trung nhiều trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 3/2022.

Theo ông Bình, để thu hút khách quốc tế trong thời gian đến, Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, dịch vụ cũng như nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

XUÂN TIẾN

Tin mới