Tại kỳ họp thứ tám, HĐND TP Thủ Đức (TP.HCM) nhiệm kỳ 2021-2026 sáng 10/11, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đã trình HĐND TP Thủ Đức tờ trình miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ. Lý do miễn nhiệm là do ông Tứ có đơn xin từ chức.
100% đại biểu HĐND TP Thủ Đức đã biểu quyết, thống nhất việc miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch với ông Nguyễn Hữu Anh Tứ.
Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ.
Hôm 21/9, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã xem xét, thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Hữu Anh Tứ do vi phạm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy chế làm việc và sự phân công của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, UBND TP Thủ Đức trên các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM xác định các vi phạm của ông Tứ gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và công tác cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Như vậy hiện nay, Thường trực UBND TP.Thủ Đức, gồm: Chủ tịch Hoàng Tùng, các phó Chủ tịch Nguyễn Kỳ Phùng, Nguyễn Bạch Hoàng Phụng.
Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, 47 tuổi, có thời gian dài công tác tại nhiều phòng ban của UBND quận Thủ Đức cũ. Năm 2009, ông Tứ giữ chức Chủ tịch UBND phường Linh Đông rồi làm Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức từ năm 2013.
Đến đầu năm 2021, khi TP Thủ Đức được thành lập, ông Tứ được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Hôm 28/9, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp kinh tế - xã hội TP.HCM 9 tháng năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 4/2023 Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, xử lý kỷ luật ông Nguyễn Hữu Anh Tứ là kết quả có được từ sự phát hiện của người dân khi họ thấy giải quyết hồ sơ chậm.
Theo Bí thư Nên, từ phản ảnh của nhân dân, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP đã vào cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Đây là kết quả từ việc người dân phát hiện và phản ánh khi họ gửi hồ sơ nhưng bị chậm trễ giải quyết. Có hồ sơ đáng ra giải quyết sớm không được giải quyết, nhiều vấn đề, cuối cùng kết luận là có vi phạm.
"Chúng ta không muốn điều này xảy ra nhưng cũng phải kiên quyết, nghiêm minh", ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.