Chiều 17/2, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM tổ chức lễ thông toàn tuyến metro đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km. Sau nhiều lần lỡ hẹn, tuyến đường sắt đô thị khởi công từ năm 2012 dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2021.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tuyến metro số 1 không chỉ là mối quan tâm của chính quyền, mà là của toàn dân.
"Chúng ta tính làm metro chỉ mất 5 năm mà đến giờ vẫn chưa thể vận hành", Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi thị sát công trường tuyến metro số 1. (Ảnh: Lê Quân)
Không thể chậm thêm
Nói về tiến độ của dự án, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định tuyến metro số 1 không thể chậm tiến độ thêm bởi thành phố đã nhìn ra được những vấn đề trong giai đoạn còn lại. Dù vậy, trong năm 2020, TP.HCM cần chuẩn bị khối lượng công việc rất lớn nhằm sẵn sàng cho tuyến đường sắt trên cao đầu tiên đi vào hoạt động.
"Tháng 6 năm nay, đầu máy, toa xe sẽ về. Mọi thứ cần phải sẵn sàng để chuyển giao sang công tác vận hành", phó chủ tịch phụ trách mảng đô thị của TP.HCM thông tin.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. (Ảnh: Quang Huy)
Sau lễ thông tuyến, toàn dự án metro số 1 hoàn thiện 71% khối lượng. Trong đó, gói thầu 1b gồm nhà ga ngầm Nhà hát TP và Ba Son hiện đạt 80% khối lượng, gói thầu 1a với ga ngầm Bến Thành hiện đạt 65% khối lượng.
Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị, cho biết trước đợt nghỉ lễ 30/4, các công nhân sẽ đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện việc tái lập mặt đường Lê Lợi, hoàn thành hệ thống cơ điện tầng B1 của ga nhà hát thành phố.
"Với việc thông tuyến metro số 1, dự án đang dần chuyển từ giai đoạn thi công kết cấu công trình sang lắp đặt hệ thống đường ray và cơ điện. Trong năm 2020, toàn thể công nhân trên công trường cần phấn đấu để hoàn thiện 85% tổng khối lượng công việc của dự án", ông Thanh thông tin.
Song song với việc thi công, khâu quản lý, nhân lực cũng dần được hoàn thiện. TP.HCM đang cố gắng đưa Công ty Đường sắt TP.HCM đi vào hoạt động sớm nhất có thể.
Ông Võ Văn Hoan cho biết công ty này hiện kiện toàn bộ máy lãnh đạo, được thành phố bố trí vốn hoạt động và tiếp tục tuyển dụng nhân viên, đưa đi đào tạo.
"Đội ngũ lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu đang trong quá trình tuyển chọn. Sau khi công ty hoạt động, toàn tuyến sẽ được quản lý bằng công nghệ tự động hóa", ông Võ Văn Hoan nói.
Đội vốn, chậm tiến độ do thiếu kinh nghiệm
Không chỉ chậm tiến độ với thời gian khủng, Bộ GTVT còn xếp dự án tuyến metro đầu tiên của TP vào top 3 dự án đường sắt trên cao đội vốn trên cả nước. Lý giải cho thực trạng trên, UBND TP.HCM cho rằng đơn vị tư vấn trong nước thiếu kinh nghiệm do loại hình đường sắt đô thị (metro) còn rất mới mẻ tại Việt Nam.
"Chúng ta thực hiện dự án metro số 1 trong điều kiện chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, cũng chưa có cơ sở thực tiễn để thực hiện một dự án metro tại Việt Nam", ông Võ Văn Hoan chia sẻ.
Ông Võ Văn Hoan cho biết TP hoàn tất quyết định thay đổi tổng mức đầu tư để giúp dự án 2 tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tiết kiệm khoảng 3.400 tỷ đồng.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, lãnh đạo TP.HCM khẳng định tuyến metro số 1 sẽ không thể chậm tiến độ thêm nữa. (Ảnh: Lê Quân)
Để có quyết định trên, 2 hội đồng thẩm định gồm Hội đồng Thẩm định thiết kế kỹ thuật và Hội đồng Thẩm định điều chỉnh tổng mức đã làm việc gần như hàng ngày.
Các chi tiết cần rà soát khi thẩm định lên đến hàng trăm nghìn. Nếu có bất kỳ sai sót nào, việc kiểm tra hồ sơ để thanh toán, quyết toán sau này sẽ gặp nhiều bất lợi.
"Tổng mức đầu tư trước đây đã vượt thẩm quyền TP và phải báo cáo Quốc hội. Việc giảm tổng mức đầu tư lần này sẽ giúp TP.HCM chủ động hơn trong việc sử dụng ngân sách và thực hiện dự án", Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.
Sau khi ký quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư, UBND TP.HCM sẽ trình hồ sơ 2 tuyến metro tại kỳ họp HĐND sắp tới để có nghị quyết bố trí vốn đầu tư từ ngân sách thành phố.
Ông Võ Văn Hoan cũng thông tin thêm theo kinh nghiệm của thành phố, nếu thủ tục điều chỉnh vốn được thực hiện đúng tiến độ, dự kiến tháng 4 năm nay kinh phí mới được chuyển về. Trong thời gian đó, TP.HCM đã chuẩn bị thêm số tiền 1.700 tỉ đồng để tạm ứng cho nhà thầu để đảm bảo dự án không bị gián đoạn.
Dự án tuyến metro số 1 thuộc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020. Quy hoạch bao gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP. Dự án còn triển khai thêm 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray.
Chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị thành phố dự kiến khoảng 220 km.
Trong buổi làm việc với UBND TP.HCM hồi tháng 4/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP.HCM đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án tuyến metro số 1 hoàn thành vào cuối năm 2020 và vận hành trong năm 2021.