Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mẹo dùng điều hòa khi trời siêu nóng tiết kiệm điện hàng chục lần, ai cũng phải biết

Giữa thời tiết khắc nghiệt khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 39, 40 độ C, việc dắt túi một số mẹo nhỏ khi sử dụng điều hòa là rất cần thiết, vừa tiết kiệm điện, vừa bảo vệ cơ thể cũng như thiết bị khỏi những tác hại xấu.

Không để nhiệt độ quá thấp dưới 25 độ

Trời nắng nóng đỉnh điểm, nhiều gia đình có thói quen để nhiệt độ điều hòa thật thấp để làm mát. Tuy nhiên, trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ phòng sau quá trình trao đổi nhiệt với môi trường xung quanh sẽ tăng lên rất nhanh và máy sẽ lại phải khởi động lại. Quá trình này lặp đi lặp lại liên tục sẽ giảm tuổi thọ của điều hòa do phải khởi động lại liên tục đồng thời tiêu tốn rất nhiều điện năng.

Nhiệt độ môi trường mà cơ thể con người thích nghi trong khoảng 25 - 27 độ C. Nếu đặt nhiệt độ thấp hơn 25 độ C, máy sẽ phải hoạt động liên tục đến mức nhiệt cài đặt mới dừng lại. Trong quá trình này, thiết bị tiêu tốn điện năng nhiều hơn cả điều hòa thông thường, đặc biệt khi chỉ sử dụng trong thời gian ngắn.

 Chỉ nên duy trì nhiệt độ điều hòa khoảng 25 độ C.

Chọn chế độ Dry

Ở điều khiển điều hòa có 2 chế độ được sử dụng nhiều nhất để điều chỉnh độ ẩm và độ làm mát trong phòng, đó là chế độ Cool (làm lạnh) Dry (khử ẩm).

Theo nguyên lý, chế độ Cool có tác dụng giảm nhiệt độ phòng xuống đến nhiệt độ cài đặt mong muốn trên điều khiển từ xa, trong khi chế độ Dry có chức năng khử độ ẩm của không khí trong phòng và duy trì nhiệt độ phòng không vượt quá so với nhiệt độ của phòng lúc bắt đầu thực hiện chế độ khử ẩm.

Theo các chuyên gia, phương pháp sử dụng chế độ Dry ở điều hòa thực sự tiết kiệm điện hơn dùng chế độ Cool, bởi khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng, do vậy tiêu thụ điện năng nhiều hơn so với chế độ Dry.

Không nên bật - tắt máy lạnh thường xuyên 

Nhiều người cho rằng, bật - tắt máy lạnh liên tục sẽ giảm điện năng tiêu thụ. Có người có thói quen bật điều hòa được một lúc, cảm thấy trong phòng bắt đầu mát thì lại tắt để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, suy nghĩ như vậy là hết sức sai lầm.

Khi khởi động lại, máy lạnh “ngốn” rất nhiều điện. Thay đổi trạng thái nóng lạnh liên tục cũng làm cơ thể bạn khó chịu. Cách hợp lý nhất là nên duy trì nhiệt độ phòng ở mức ổn định, chứ không nên tắt hẳn máy lạnh. Chênh lệch nhiệt độ lý tưởng giữa nhiệt độ phòng máy lạnh và nhiệt độ bên ngoài là khoảng 7 độ C.

Dùng quạt kèm điều hòa

Điều hòa có chức năng làm mát không khí trong phòng bằng cách hút không khí phòng và thổi luồng không khí qua dàn lạnh làm mát không gian.

Tuy nhiên, luồng không khí lạnh sẽ ngưng tụ phía dưới và đẩy luồng không khí nóng lên phía trên và không lan tỏa hết ra khắp phòng. Vì vậy, ở nhiều vị trí trong phòng, hơi lạnh sẽ không cảm nhận được. Muốn làm mát cả phòng cần phải hạ thấp nhiệt độ của điều hòa xuống, như vậy sẽ rất tốn điện, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để tiết kiệm điện, nên sử dụng kết hợp quạt và điều hòa. Quạt có tác dụng đẩy luồng không khí mát lan tỏa khắp phòng. Khi kết hợp 2 thiết bị này vào những ngày trời nóng sẽ có tác dụng làm mát nhanh, đồng đều đồng thời tiết kiệm điện hiệu quả.

Đặt cục nóng ở chỗ mát

Trong khi lắp đặt điều hòa, rất nhiều gia đình chọn lắp đặt cục nóng sai vị trí khiến quá trình sử dụng điều hòa không chỉ tiêu tốn điện hơn mà còn làm cho cục nóng điều hòa nhanh hỏng hơn.

Đặt cục nóng điều hòa ngoài trời là sai lầm. 

Nhiều gia đình chọn lắp cục nóng ở những nơi không có mái che như trên sân thượng, trên mái nhà, gắn ở bên ngoài tường nhà... vì cho rằng để như vậy sẽ đảm bảo độ thông thoáng, giúp điều hòa đẩy khí nóng ra ngoài tốt hơn.

Tuy nhiên, sự thực là lắp cục nóng điều hòa ở ngoài trời như vậy sẽ khiến ánh mặt trời chiếu trực tiếp vào, làm tăng nhiệt độ của cục nóng. Điều này đồng nghĩa sẽ làm điện năng bị tiêu tốn nhiều hơn, rút ngắn tuổi thọ cục nóng.

Như vậy, để tiết kiệm điện năng, nên đặt cục nóng ở nơi thoáng mát, có mái che, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu để bảo vệ tuổi thọ cho cục nóng.

Không bật điều hòa 24/24

Nhiều gia đình có thói quen mở máy điều hòa suốt cả ngày vì muốn phòng luôn mát. Tuy nhiên, cách này không chỉ gây lãng phí điện mà còn gây hại đến sức khỏe, bởi bạn chỉ nên ngồi trong phòng điều hoà không quá 2 giờ.

Khi ngủ, cơ thể bạn có thể chịu được nhiệt độ cao hơn khi thức nên bạn có thể tắt điều hòa vào ban đêm. Không chỉ vậy, khi ngủ cơ thể thiếu sự vận động, dễ bị cảm lạnh nên bạn cần điều chỉnh máy lạnh tăng nhiệt độ lúc đêm khuya. Khi ra khỏi phòng cũng nên mở cửa to và đứng ở cửa vài phút để cơ thể kịp thích nghi với không khí mới.

Video: Mục sở thị điều hòa cho mũ bảo hiểm, ra đường không sợ nóng

Vệ sinh máy lạnh định kỳ 6 tháng/lần

Theo các chuyên gia điện máy, máy điều hòa sau một thời gian sử dụng sẽ có hiện tượng bị bám bụi ở dàn nóng và dàn lạnh. Trung bình sau mỗi tuần hoạt động, máy lạnh bị giảm đi 1% khả năng làm lạnh do bụi bẩn bám vào.

Bụi bẩn ngày càng dày đặc, hiệu quả sử dụng máy lạnh càng kém hơn. Khi đó, người sử dụng càng phải dùng điều hòa nhiều hơn với nhiệt độ thấp hơn khiến máy điều hòa không thể đáp ứng được nhu cầu làm lạnh cho căn phòng, đồng thời "ngốn" lượng điện năng rất lớn.

Để tiết kiệm điện, đồng thời giữ cho máy lạnh hoạt động hiệu quả trong thời gian dài, người sử dụng nên dành thời gian vệ sinh điều hòa định kỳ, ít nhất 6 tháng một lần để đảm bảo điều hòa luôn hoạt động trơn tru, tránh tình trạng hỏng hóc, tiêu tốn điện.

Mai Tâm

Tin mới