Trong buồng bệnh của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bà Ma Thị May (56 tuổi, thôn Xín Chải, xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, Lào Cai) gần như không còn sức lực, thi thoảng bà lại thều thào mấy câu bằng tiếng dân tộc Mông rồi lại lả đi.
Túc trực bên giường bệnh của bà là cậu con trai thứ chín - Lý Seo Giả (22 tuổi). Anh cúi gằm mặt, lộ rõ vẻ lo lắng cho bệnh tình của mẹ.
Bà May nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thể trạng gầy yếu.
Năm 2021, trong một lần đi làm nương về, bà May khó thở, kiệt sức, người tím tái. Giả cùng các anh em trong nhà tức tốc đưa mẹ đi cấp cứu. Bác sĩ tuyến địa phương thông báo bà mắc bệnh tim, khó qua khỏi, gia đình nên đưa về nhà chăm sóc.
Không muốn mẹ phải chịu đựng đau đớn do bệnh tật, Giả ngược xuôi tìm thuốc lá đem về cho mẹ uống. Hễ ai mách ở đâu có thuốc nam tốt anh lại vay mượn tiền đi mua. Suốt 2 năm uống thuốc nam nhưng bệnh tình không thuyên giảm, nhiều lúc bà May tưởng chừng không qua khỏi vì các cơn khó thở, co thắt tim đến dồn dập.
Cuối tháng 9/2023, bà May khó thở, tim đập nhanh. Anh Giả nghĩ mẹ chỉ đau một lúc sẽ tỉnh lại như mọi khi, nhưng một tiếng đồng hồ sau người bà tím tái. Cả gia đình được phen hú vía phải đưa đến Trung tâm Y tế huyện, sau đó làm thủ tục chuyển đi tuyến trung ương cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ xác định bà May bị suy tim nặng, phải thay van tim, van còn lại sẽ phải “sửa”. Anh Giả không biết đó là bệnh gì, cũng không hiểu thay van là thế nào. “Tóm lại là tim cụ bà bị hỏng, giờ cần phải sửa”, bác sĩ giải thích ngắn gọn.
Mới 22 tuổi, lần đầu xuống Thủ đô, lại không thạo tiếng phổ thông, anh Giả cố gắng hỏi bác sĩ nhiều lần để hiểu hơn về bệnh của mẹ. Khi được bác sĩ phân tích chậm rãi, dùng hình vẽ mô tả rõ mức độ nguy hiểm của suy tim, anh chàng mới gật gù nhận ra vấn đề. Nghe xong chân tay anh bắt đầu run lẩy bẩy, đi đứng không vững.
Những ngày đầu mẹ nhập viện, anh Giả thường xuyên bỏ bữa, có hôm cả ngày không ăn gì, một phần vì không có tiền, phần cũng vì quá lo lắng cho sức khoẻ của mẹ nên chẳng nuốt nổi cơm. Chỉ khi thật sự đói, anh mới ăn tạm chiếc bánh mì 3 nghìn đồng.
Hơn 2 tuần chăm sóc mẹ nằm viện, từ một chàng thanh niên trẻ không biết hết tiếng Kinh, giờ anh Giả đã nhớ tên, liều lượng của từng loại thuốc cho mẹ uống. Người bệnh suy tim cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, anh cũng học người nhà của các bệnh nhân khác để chăm sóc mẹ được tốt nhất.
Bệnh bà May đã nặng, hoàn cảnh gia đình lại càng bi đát khiến ai biết cũng lặng người. Năm 2022, trong một lần lên rừng tìm ong, người con trai thứ 2 của bà không may bị ngã xuống vực dẫn đến chấn thương cột sống nặng.
“Anh tôi bị chấn thương nằm liệt một chỗ. Đợt đó gia đình phải vay ngân hàng 50 triệu đồng, nhờ họ hàng vay thêm bên ngoài 50 triệu đồng mới cứu được. Cuối năm nay anh lại phải đi viện để mổ tiếp, mẹ cũng đang ốm nặng nên chưa biết sẽ xoay tiền đâu ra để đưa anh nhập viện”, người thanh niên vừa kể vừa gồng mình như thể không để nước mắt trào ra.
Thôn Xín Chải, xã Tả Củ Tỷ là miền cao nguyên đá vôi quanh năm mờ mịt mây mù, nằm giữa hai sườn núi dốc, mọi sinh hoạt của người dân nơi đây đều trông chờ vào hạt ngô và mấy con lợn, trâu bò.
Nhà anh Giả có hai con trâu, từ ngày bà May đi viện, anh nhắn vợ dắt đi khắp các chợ nhưng chẳng ai mua. Quả đồi nhỏ phía sau nhà cũng được anh rao bán nhưng không ai ngó tới. “Hết cách rồi, không biết mượn tiền ở đâu nữa. Nợ cũ chưa trả hết, giờ vay thêm không ai cho”, người đàn ông nghèo bất lực nói rồi chắp 2 tay trước ngực như thay lời khẩn cầu.
Nằm trong diện hộ nghèo của địa phương, bà May đi viện được bảo hiểm chi trả phần lớn song chi phí ăn ở dài ngày, cùng một số loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm gia đình sẽ phải tự mua. Điều này sẽ là gánh nặng với gia đình nghèo ở vùng miền núi xa xôi.
Anh Giả túc trực bên giường bệnh của mẹ.
Luôn theo sát diễn biến bệnh tình của bệnh nhân, bác sĩ Trịnh Xuân Cường, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân May bị bệnh tim đã lâu nhưng không điều trị. Cách đây 2 tuần bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt, thể trạng gầy yếu. Tim giãn to gấp 3 lần tim bình thường, suy tim nặng.
“Nếu không phẫu thuật, sửa chữa tim thì cơ hội kéo dài sự sống không nhiều”, bác sĩ Cường nói và thông tin phương án can thiệp cho bệnh nhân là thay một van nhân tạo, van tim còn lại sẽ được các bác sĩ điều chỉnh.
Bác sĩ cũng nhận định, sau phẫu thuật, nếu không có các biến chứng, chức năng tim có thể hồi phục và người bệnh có thể sinh hoạt bình thường.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email toasoan@vtcnews.vn hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.