Giữa tháng 6/2024, nam thanh niên 24 tuổi, quê ở Phú Thọ thấy đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, huyết áp tăng cao không rõ nguyên nhân, được gia đình đưa đi khám. Sau các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ chẩn đoán anh bị suy thận mạn giai đoạn cuối.
Đây cú sốc với người bệnh và gia đình, vì trước đó nam thanh niên khỏe mạnh, đi làm bình thường, không hề dấu hiệu sức khỏe bất thường nào.
Các bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật ghép thận. (Ảnh: BVCC)
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Viên - Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khi xác định người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối, các bác sĩ hội chẩn và đưa ra một số phương pháp điều trị gồm: ghép thận, lọc máu thận nhân tạo và lọc màng bụng. Sau quá trình tư vấn và căn cứ vào nguyện vọng của gia đình, người bệnh quyết định lựa chọn phương pháp ghép thận. Người cho thận chính là mẹ của người bệnh.
Theo mẹ của nam thanh niên, thương con quá trẻ, còn cả tương lai phía trước, nếu phải chạy thận thì cả đời con phải gắn liền với bệnh viện. Gia đình bàn nhau đi khám, thực hiện xét nghiệm với hy vọng có thể hiến được thận cho con. May mắn, thận của mẹ tương thích với con, tình trạng sức khỏe của chị cũng đảm bảo để có thể tham gia hiến thận.
Hiện ca phẫu thuật lấy thận từ người mẹ và ghép thận cho người con đã được các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công.
Phẫu thuật lấy thận ghép từ người mẹ được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. Người phụ nữ này được đưa về phòng hậu phẫu, sức khoẻ ổn định.
Phẫu thuật ghép thận cho nam thanh niên được thực hiện kế đó. Người bệnh được chuyển về chăm sóc và điều trị tại phòng hậu phẫu trung thận - lọc máu. Sau ghép thận, huyết áp, tim mạch ổn định, các chỉ số của người bệnh ổn định.