Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mẹ hiến thận cứu con

(VTC News) -

Hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, phải lọc thận theo chu kỳ 3 lần/tuần vừa được ghép thận, nguồn tạng hiến được lấy từ chính mẹ đẻ.

Suy thận giai đoạn cuối từ năm 2022, cô gái 26 tuổi, quê Tuyên Quang phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần. Thương con còn cả tương lai phía trước, nếu chạy thận thì cả đời phải gắn liền với bệnh viện. Gia đình thống nhất đi khám, thực hiện xét nghiệm với hy vọng có thể hiến được thận cho con. May mắn, thận của mẹ tương thích với con.

Để ca ghép thành công, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hậu cần và tiên lượng trước tất cả các kịch bản có thể xảy ra sau ghép. Ca phẫu thuật ghép thận của bệnh nhân diễn ra theo dự kiến.

Sau ghép, sức khỏe cả người cho và người nhận hoàn toàn ổn định, chức năng thận ghép và các chỉ số cận lâm sàng trong giới hạn bình thường.

Nhân viên y tế chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh ghép thận. (Ảnh: BVCC)

Tháng 4/2024, nam thanh niên 19 tuổi, quê Thanh Hoá mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, thường xuyên mẩn ngứa, phải nhập viện. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận, anh bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Từ nam thanh niên lao động khỏe mạnh, anh sút cân nhanh chóng và rơi vào trạng thái lo lắng, mệt mỏi, hoảng loạn.

Các bác sĩ tư vấn cho anh về các phương pháp điều trị thay thế thận suy, trong đó ghép thận là phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất với anh thời điểm này.

Sau khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc người hiến thận là các thành viên trong gia đình, bác sĩ kết luận thận của mẹ ruột phù hợp để ghép cho anh.

Ngày 11/9, ê kíp ghép thận của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phẫu thuật lấy một thận của mẹ và ghép cho nam thanh niên. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi. Sau ghép, sức khỏe của cả người con và mẹ đẻ đều tiến triển tốt.

Theo TS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, để có thể duy trì sự sống bệnh nhân suy thận sẽ phải đến bệnh viện lọc máu định kỳ, ngoài các chi phí bảo hiểm y tế thanh toán, người bệnh vẫn phải mất một khoản chi phí không nhỏ hàng năm như các chi phí đi lại, xe cộ tốn kém.

“Mặc dù được lọc máu thường xuyên, sức khỏe những người bệnh cũng chỉ có thể làm được việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, còn việc tham gia lao động, công tác, học tập là rất khó. Đối với những bệnh nhân này, nếu được ghép thận, họ sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh, sinh hoạt và làm việc bình thường”, bác sĩ Tuyên nói.

Ghép tạng là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20, là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam và cũng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Đây là cơ hội tốt nhất đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục.

Như Loan

Tin mới