Bước ra từ cuộc hôn nhân đổ vỡ sau 10 năm gắn bó, MC Thanh Mai có hành trình dài cố gắng để trở thành giảng viên đại học, người dẫn chương trình truyền hình, sáng lập ra Vietskill - Nơi hoàn thiện giọng nói.
Trong buổi trò chuyện với Báo điện tử VTC News, MC Thanh Mai chia sẻ về hành trình vượt khó của mẹ đơn thân.
- Chị vừa là người dẫn chương trình truyền hình, vừa là người sáng lập Công ty TNHH Đào tạo Vietskill, vừa là giảng viên đại học. Động lực nào khiến chị có thể làm nhiều công việc một lúc như vậy?
Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, có những người sinh ra đã đầy đủ, có sẵn tất cả mọi thứ mà họ cần. Còn Thanh Mai lại thiếu tất cả mọi thứ. Chính vì thiếu nhiều quá nên khát khao trở nên lớn hơn.
Tôi còn nhớ, ngày bé thèm ăn lắm. Suốt ngày hỏi bố bao giờ nhà mình có giỗ để được ăn thịt gà, canh miến? Hay thèm ăn hoa quả thì chỉ mong đến ngày Rằm, mùng một, ngày Tết. Chỉ có những ngày đấy mới được ăn hoa quả, ăn thịt gà, ăn những gì mình muốn.
Vì thiếu thốn nhiều thế nên tôi luôn có khát khao bù đắp cho bản thân. Đấy là lý do mà tôi làm việc không nghỉ, cũng là động lực để có ngày hôm nay.
- Dân gian vẫn hay nói với nhau rằng: "Việc làm mẹ là thiên chức tốt đẹp, cao cả nhất của người phụ nữ", nhưng thế hệ trẻ bây giờ lại có suy nghĩ sợ làm một người mẹ không tốt, sợ không đủ sức mạnh để bảo vệ con nên lần khất việc lập gia đình và sinh con.
Trong giới trẻ, câu chuyện không muốn lập gia đình đang trở nên phổ biến. Tại nhiều quốc gia tình trạng này là vấn đề đáng báo động. Thực tế cho thấy, nhiều người không sẵn sàng, nhiều người lại nghĩ rằng không cần sinh con vẫn có thể hạnh phúc.
Nỗi lo này đến từ nhiều phía, tôi không bàn về chuyện nên hay không nên sinh con. Nhưng sự lo sợ của người mẹ về việc không thể bảo vệ, yêu thương, hay dạy dỗ con cái, lo lắng mình sẽ là một người mẹ không tốt, đó là những suy nghĩ khá tiêu cực.
Thanh Mai lên năm tuổi thì mất mẹ, lớn lên mà không có sự giáo dưỡng của mẹ, giống như một đứa trẻ hoang dã. Sau này, khi có gia đình, tôi cũng từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Hai nỗi đau đó giống như hai vết sẹo lớn, khiến tôi luôn tự hỏi liệu mình có thể dạy con tốt hay không? Và thực tế cho thấy rằng dù phải đối diện với thiếu thốn và mất mát từ nhỏ nhưng tôi vẫn vượt qua được và hạnh phúc.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều khác nhau, mỗi người mẹ cũng có cách nuôi dạy khác nhau. Điều đó phụ thuộc vào nền tảng văn hóa, hoàn cảnh. Chúng ta không thể áp đặt công thức chung cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là hãy tìm cách yêu thương và bảo vệ con. Khi có tình yêu, bạn sẽ làm được tất cả.
- Mọi người vẫn hay nói phụ nữ mạnh mẽ nhất khi trở thành mẹ?
Thiên chức làm mẹ là một phần của phụ nữ. Dù không phải ai cũng có cơ hội làm mẹ, nhưng tính mẹ vẫn luôn hiện diện, giúp họ tìm thấy sự cân bằng, hạnh phúc trong cuộc sống. Người phụ nữ, từ khi sinh ra đã mang trong mình tính cái - điều tiên quyết của giới tính, thiên chức làm mẹ chính là yếu tố giúp họ hoàn thiện bản thân.
Với những phụ nữ đã trải qua hành trình làm mẹ, việc sinh con và nuôi dưỡng con cái là một quá trình giúp họ trưởng thành, khám phá và cảm nhận sâu sắc hơn về sức mạnh nội tại của mình. Mỗi lần làm mẹ, phụ nữ không chỉ tạo ra một sự sống mới mà còn tái sinh chính mình, trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn.
- Ngày xưa, ông bà, cha mẹ sống bên nhau cả đời và hầu như không xuất hiện việc ly thân hay ly hôn. Nhưng hiện nay, số lượng các bà mẹ đơn thân ngày càng nhiều, chị nghĩ sao?
Ngày xưa, ta thấy mọi người trong làng đều quen biết nhau. Các cụ yêu nhau trong bối cảnh văn hóa làng xã: Làng có trước, nước có sau.
Hồi đó, đi từ nhà này sang nhà kia rất xa, nhưng mọi người đều thân quen nhau cả. Nếu ai trong làng có việc cần giúp, cả làng đều xắn tay vào cùng làm. Mình thích ai, cả làng đều biết.
Việc ngoại tình hay có tình cảm ngoài luồng là điều khó khăn. Vì điều đó đụng chạm đến danh dự, uy tín và giá trị cộng đồng. Chính vì thế, dù cuộc sống vợ chồng có lúc không êm ấm, không hạnh phúc thì gia đình vẫn bền vững, bởi người ta sợ cái nhìn từ cộng đồng.
Bây giờ thì khác, sống trong các tòa chung cư, nhà sát cạnh nhau nhưng có khi chẳng biết ai. Họ hàng cũng vậy, mỗi người sống một nơi, không gặp nhau nhiều. Vì thế, việc nghĩ về cảm nhận của cộng đồng không còn quan trọng. Tỷ lệ ly hôn hiện nay ở Việt Nam ước chừng khoảng 30%, tức là cứ ba phụ nữ thì có một người đã ly thân hoặc ly hôn.
Khác với trước đây, phụ nữ ngày nay khi ly hôn vẫn rất mạnh mẽ, tự tin, và sống vui vẻ. Những đứa trẻ thì khác, chúng lớn lên thiếu vắng một gia đình đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Điều đó đòi hỏi các bậc cha mẹ phải thực sự lắng nghe và đối diện với con cái để hiểu rõ sự khác biệt giữa việc nuôi con một mình và nuôi con trong một gia đình đủ đầy.
- Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, có những đứa trẻ từng được cha mẹ yêu thương và chăm sóc, nhưng sau đó cha mẹ ly hôn, khiến chúng thiếu hụt tình cảm. Lại có những đứa trẻ chưa bao giờ được trải nghiệm yêu thương đủ đầy. Theo chị, trong trường hợp nào, trẻ sẽ buồn hơn?
Khi một đứa trẻ sinh ra mà không có sự hiện diện của bố, chắc chắn chúng sẽ có nhiều câu hỏi dành cho mẹ, như "Bố con là ai?" hay "Ai đã sinh ra con?". Những nỗi trăn trở này có thể theo chúng suốt cả cuộc đời, khiến chúng tự hỏi về nguồn gốc của mình, như thể mình đến từ một hành tinh khác. Vậy mẹ sẽ trả lời những câu hỏi ấy như thế nào?
Ngoài ra, đứa trẻ cũng sẽ thắc mắc vì sao bố mẹ không sống chung với nhau. Tôi nghĩ rằng, thay vì tìm kiếm câu trả lời cho quá khứ, chúng ta nên đặt ra những câu hỏi cho chính mình. Nếu như có quyền lựa chọn, thì bạn mong muốn điều gì? Chúng ta nên đặt mình vào vị trí của đứa trẻ, thay vì áp đặt những mong muốn của bản thân lên chúng.
Tôi có người bạn thân, cậu ấy học giỏi, yêu đời nhưng khi bố mẹ chia tay, cậu ấy khủng hoảng nặng nề, trượt dốc.
Tôi đưa cậu ấy ra một góc và nói rằng: "Tớ chỉ muốn nói với cậu rằng: Nếu sau này cậu trở thành cha mẹ, hãy cố gắng giữ cho gia đình không bị đổ vỡ. Cậu biết rõ nỗi đau khi bố mẹ chia tay."
20 năm sau, khi gặp lại, cậu ấy cũng trải qua sự tan vỡ trong gia đình. Điều này cho thấy rằng, có những thứ chúng ta không thể kiểm soát.
Thay vì tiếp tục đau khổ, mỗi người nên tìm ra cách để hạnh phúc trong hoàn cảnh hiện tại. Nếu một đứa trẻ đã mất đi bố, trách nhiệm đó thuộc về người mẹ. Mẹ cần giải thích lý do cho con và xoa dịu nỗi đau của con, giúp chúng cảm thấy trọn vẹn nhất. Hãy đặt mình vào vị trí của con và hiểu những gì chúng cần. Đó là cách tốt nhất để hỗ trợ và đồng hành cùng con.
- Đối mặt với sự đổ vỡ trong hôn nhân, chị đã chuẩn bị tâm lý cho con thế nào?
Thời điểm đó, tôi dạy nhiều trên giảng đường về văn hóa về gia đình, nếp sống, lối sống gia đình. Nhưng thật trớ trêu, chính tôi lại đang đổ vỡ, hàng ngày phải vật lộn với suy nghĩ làm thế nào để gìn giữ gia đình? Đó là nỗi đau không tên, không nói được với ai.
Thứ hai là làm thế nào để cho đứa trẻ không bị hụt hẫng khi tôi quyết định làm mẹ đơn thân? Con tôi lúc đó 5 tuổi. Bạn ấy hồn nhiên hát múa hàng ngày. Đi học về thì được bao bọc trong vòng tay của mẹ, của ông bà.
Lúc đấy tôi nghĩ rằng phải làm gì tốt nhất cho con? Tôi quyết định mua trường mầm non, đi học bằng quản lý để điều hành trường.
Tôi nói với con rằng con sẽ học ở trường cả tuần với mẹ, gặp bố và ông bà vào cuối tuần. Con vui vẻ đón nhận. Đấy là cách mà mình chuẩn bị môi trường cho con. Nhưng điều đáng sợ hơn tất cả là câu chuyện tinh thần.
Con tôi hay hỏi: "Tại sao mình lại ở đây lâu thế mẹ?". Cứ mỗi buổi bố hay ông bà đến đón là lại chực khóc. Lâu dần bạn ấy dần ít nói, ít cười hơn.
Từ đó, tôi nhận ra một ngôi nhà đẹp, một không gian đẹp, cô giáo, bạn bè… không giải quyết được câu chuyện vết sẹo trong con. Đối với mỗi đứa trẻ, tình cảm mới là thứ quan trọng nhất.
- Dám chấp nhận những đau khổ, dám chấp nhận những tủi thân và những giọt nước mắt, đó cũng là một loại mạnh mẽ phải không chị?
Phụ nữ có nhiều yếu tố phức tạp. Người phụ nữ mạnh mẽ chưa chắc đã được đàn ông thích. Thường đàn ông thích người phụ nữ có chút yếu đuối. Sự mạnh mẽ chỉ nên áp dụng trong những thời điểm cần thiết.
Chẳng hạn, một người mẹ quá cứng nhắc có thể khiến con cái sợ hãi. Vì thế, người phụ nữ nên linh hoạt, lúc cần cứng thì cứng, cần mạnh thì mạnh, cần mềm thì mềm, và cần yếu thì cũng yếu.
Giống như cây tre, vừa cứng vừa mềm. Khi vượt qua khó khăn, nhìn lại mới thấy rằng không cần phải quá cứng hay quá mềm, sự linh hoạt sẽ giúp giảm bớt nhiều khó khăn trong cuộc sống.
- Xin cảm ơn chị!