Những giá trị này cũng là nhân tố giúp Ban lãnh đạo MB tích hợp việc phát triển bền vững một cách tự nhiên vào hoạt động kinh doanh từ rất sớm, và kiên định với con đường đó. Họ là những banker thấy rõ nhu cầu về phát triển bền vững và phụng sự đất nước không đồng nghĩa với "đốt tiền" hay mâu thuẫn mà thậm chí là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy giá trị cho cổ đông.
Những bất ngờ về kết quả của chiến lược ESG tại MB
Năm 2023, khi Ngân hàng cổ phần Quân đội (MB) công bố triển khai chiến lược ESG một cách bài bản, theo chuẩn đo lường quốc tế, nhiều người bất ngờ về những điều mà nhà băng này đã thực hiện.
Với một ngân hàng, đóng góp lớn nhất của họ đến môi trường bằng sức mạnh nội tại chính là việc cấp vốn cho các "dự án xanh". Với cho vay lĩnh vực năng lượng tái tạo và chuyển đổi, những ngân hàng lớn trên thế giới với các tiêu chuẩn cao về ESG có khoảng 8% tổng dự nợ. Trong khi đó, con số này hiện ở MB lên tới 11%. Đây là số liệu có thể gây ngạc nhiên với nhiều người, bởi trước đó nhà băng này không phải là một thương hiệu nổi bật về ESG.
Điều mà mọi người cũng ít biết là MB đã khởi động chương trình đẩy mạnh "tín dụng xanh" từ rất sớm (năm 2017-2018 khi Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo). Lúc đó, việc cho vay với các dự án điện mặt trời, điện gió tương đối khó vì đây là những thứ rất mới.
Sau đó, các lãnh đạo cấp cao của MB đã đi rất nhiều nước như Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… để tìm hiểu đầy đủ về công nghệ và cách vận hành của các dự án năng lượng tái tạo. "Chúng tôi đầu tư công sức rất lớn, đi khắp nơi học để tìm hiểu cách làm và đi đến kết luận: Làm năng lượng tái tạo không khó như mọi người nghĩ!", Tổng Giám đốc (CEO) MB Phạm Như Ánh chia sẻ.
Cùng với đó, nhà băng này còn mời thêm các chuyên gia tư vấn quốc tế để cùng làm, rồi mới đi đến quyết định tiến mạnh vào mảng "tín dụng xanh". Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cộng thêm hỗ trợ từ chính sách ưu đãi với năng lượng tái tạo của Chính phủ thời điểm đó nên các dự án mà MB cấp vốn đều hoat động tốt. "Cho đến giờ thì chưa có rủi ro nào xảy ra", ông Ánh cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Như Ánh, CEO MB còn bổ sung thêm một con số rất đáng chú ý khác: "Hằng năm, MB dành khoản ngân sách hàng trăm tỷ đồng – từ 2% đến 2,5% lợi nhuận sau thuế cho các hoạt động xã hội. Chúng tôi dành số tiền đó để xây dựng rất nhiều nhà tình nghĩa, hỗ trợ nhiều chương trình dành cho giáo dục… nhưng không quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng".
Lý do thực hiện sớm nhưng mới công khai
Vậy tại sao cả nhân tố S (Social), lẫn nhân tố E (Environmental) trong chiến lược ESG đã được nhà băng này thực hiện từ nhiều năm trước, với những số liệu ấn tượng nhưng đến năm 2023 mới công khai?
Ông Phạm Như Ánh cho biết: "Trước đây, ban lãnh đạo ngân hàng đơn thuần nghĩ việc này tốt cho xã hội, tốt cho môi trường thì mình làm thôi. Đó là những điều mà người MB làm một cách rất tự nhiên, trong nhiều năm, và không nói về ESG mà đơn thuần cho rằng: Đó là việc cần làm, đúng theo triết lý mà mình theo đuổi từ những ngày đầu thành lập. Tuy nhiên, khi định kỳ đánh giá lại những việc đã làm, chúng tôi nhận thấy có những điều cần thay đổi".
CEO MB nêu 3 lý do được ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra, dẫn tới việc công bố và thực hiện chiến lược ESG một cách bài bản. Thứ nhất, vận hành ngân hàng theo tiêu chuẩn ESG là một xu hướng chung trên toàn cầu và những nhân tố cốt lõi để có được tiêu chuẩn đó đã sẵn có trong MB.
Thứ hai, người MB nên cùng chung tay lan toả những điều tốt đẹp, phụng sự xã hội, đất nước với những cá nhân, tổ chức khác. Để tăng cường điều đó, việc công khai những việc mình đã làm liên tục trong nhiều năm là cần thiết.
Thứ ba, để việc vận hành theo tiêu chuẩn ESG được mở rộng hơn, đem lại hiệu quả cao hơn, MB cần đánh giá lại những việc mình làm, mời thêm tư vấn quốc tế như McKinsey, Deloitte…, để những thay đổi, phát triển có chiều sâu và đem lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội.
Trong số các nhân tố ESG được MB quảng bá mạnh mẽ trước khi chiến lược ESG được công bố, chuyển đổi số - nhân tố G (Governance) - được công chúng nhận diện rõ nhất. Nhà băng này quảng bá rất mạnh về những kết quả có được kể từ khi đưa chuyển đổi số thành mục tiêu chiến lược của MB vào năm 2017.
Theo đó, năm 2023, 97% các giao dịch của MB hiện được thực hiện qua kênh số với 3,6 tỷ giao dịch – tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022, quy mô chuyển tiền qua NAPAS đứng số 1 toàn hệ thống ngân hàng trong 3 năm liên tiếp, 27 triệu khách hàng, 24,4% doanh thu của MB đang đến từ các nền tảng số, MB là ngân hàng paperless (gần như không sử dụng giấy)…
Về kết quả kinh doanh, các cổ đông MB không có nhiều điều để phiền lòng với việc công bố theo đuổi chiến lược ESG một cách bài bản của ban lãnh đạo nhà băng này. Bởi kết thúc năm 2023, MB lần đầu tiên trong lịch sử có lợi nhuận vượt 1 tỷ USD (26.306 tỷ đồng), tiếp tục giữ "ngôi vương" về tỷ lệ CASA trong hệ thống ngân hàng Việt Nam với hơn 40%...
Gen ESG tự nhiên trong máu của người MB
Ông Phạm Như Ánh, CEO MBBank cho biết: MB được điều hành bởi các tướng lĩnh cao cấp của Quân đội, thể hiện rõ ở các đời Chủ tịch ngân hàng như Trung tướng Phạm Tuân, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thượng tướng Lê Hữu Đức và nay là Đại tá Lưu Trung Thái.
Những sĩ quan cao cấp của Quân đội điều hành ngân hàng theo một văn hóa riêng, đó là triết lý về sự kỷ luật, cống hiến và tận tâm. Do đó, việc điều hành kinh doanh hằng ngày của người MB cũng luôn tuân theo kỷ luật, đi theo hướng tận tâm phục vụ khách hàng và cống hiến cho xã hội.
Chính vì thế, những việc gì tác động xấu đến môi trường, không tốt đến xã hội thì những lãnh đạo cấp cao điều hành ngân hàng chắc chắn sẽ không tham gia. Còn những việc tốt cho đất nước, tốt cho tương lai thì sẽ hết sức hưởng ứng. Nguồn gốc và văn hóa của ngân hàng MB cũng trùng với những yếu tố cần thiết để xây dựng tiêu chuẩn về ESG và nó là gen tự nhiên ở trong máu người MB rồi.
Hiểu một cách đơn giản, người đứng đầu doanh nghiệp như thế nào thì doanh nghiệp sẽ vận hành theo hướng đó. Văn hóa tận tâm phục vụ khách hàng và cống hiến cho xã hội đã thấm nhuần một cách tự nhiên trong việc điều hành của hệ thống MB.