Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Máy thở và máy trợ thở khác nhau thế nào?

(VTC News) -

Máy trợ thở là máy hỗ trợ hô hấp đơn giản, có thể dùng ở nhà, còn máy thở cấu tạo phức tạp hơn, thường dùng trong trường hợp bệnh nhân nặng, mất khả năng hô hấp.

Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, máy trợ thở là máy hỗ trợ hô hấp đơn giản cho những bệnh nhân có vấn đề về đường thở. Máy này thường được sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân bị béo phì, hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Cấu tạo và cách vận hành của máy trợ thở cũng khá đơn giản, có thể tự sử dụng tại nhà mà không cần những thiết bị bổ trợ hoặc đào tạo chuyên sâu.

Còn máy thở là máy hỗ trợ hô hấp được dùng trong bệnh viện, có cấu tạo phức tạp, nhiều tính năng để có thể hỗ trợ cho các bệnh nhân mất khả năng hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân tổn thương phổi nặng. Sử dụng máy thở chuyên dụng cần có các thiết bị bổ trợ như oxy, khí nén và người sử dụng phải được đào tạo chuyên sâu về sử dụng máy thở.

Cả máy thở và máy trợ thở đều có nhiều lợi ích.

Điểm khác biệt lớn nhất của 2 loại máy này là máy trợ thở đơn giản có thể tự sử dụng tại nhà cho những bệnh lý mãn tính thông thường, còn máy thở chỉ được sử dụng trong bệnh viện bởi người được đào tạo chuyên sâu cho những bệnh lý phức tạp.

Máy trợ thở dễ bị lây nhiễm virus corona?

Bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, hiện rất nhiều người nhầm lẫn giữa máy thở và máy trợ thở. Theo bác sĩ Phúc, máy thở là máy đẩy không khí vào phổi, sau đó người bệnh thở ra, không khí luôn nằm trong một ống kín, luồng khí vào và khí ra luôn được lọc các tác nhân gây bệnh trong đó có virus.

Còn với cả hai phiên bản máy trợ thở hiện nay, là phiên bản máy ở bệnh viện và máy sử dụng tại nhà, đều sử dụng nguyên ly tạo áp suất cao để đẩy không khí vào đường thở, thường là thông qua mặt nạ trùm lên mũi. Máy áp lực đường thở dương liên tục, được gọi là CPAP, cung cấp luồng không khí liên tục ở áp suất không đổi.

“Một số loại máy khác tiên tiến hơn, có thể tăng áp suất để đẩy không khí vào, nhưng sau đó giảm áp suất để cho phép không khí được thở ra”, bác sĩ Phúc nói.

Bệnh nhân mắc Covid-19 cần chú ý khi dủng máy thở, máy trợ thở.

Bác sĩ Phúc cho biết thêm, máy trợ thở cũng lọc không khí vào và ra, lọc hết tác nhân gây bệnh, trong đó có virus. Tuy nhiên, máy trợ thở kết nối với bệnh nhân bằng mặt nạ úp lên mũi, nó không đảm bảo đủ kín, virus có thể bơm vào môi trường xung quanh, làm cho bệnh nhân khác bị nhiễm virus, nhân viên y tế cũng có thể bị nhiễm.

“Máy trợ thở sẽ đưa đến mũi của bệnh nhân một luồng không khí đủ oxy với áp lực cao. Người bệnh cũng phải thở ra với một áp lực cao tương ứng theo máy, trong khi mặt nạ chùm lên mũi không chắc chắn đảm bảo kín (do sự gồ ghề của khuôn mặt, do bệnh nhân móm, do rách mặt nạ).

Điều này làm cho virus dễ phát tán ra môi trường bên ngoài, có thể gây tình trạng lây nhiễm chéo, đặc biệt là nguy cơ nhiễm bệnh cho nhân viên y tế. Trong trường hợp này, rõ ràng SARS-CoV-2 rất dễ lây lan”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

Bác sĩ Phúc khuyến cáo, để hạn chế lây nhiễm chéo, bệnh nhân Covid-19 khi dùng máy trợ thở, cần thiết phải nằm trong buồng điều trị áp lực âm đồng thời tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc chống nhiễm khuẩn. Đó cũng là lý do vì sao chuyên gia ưu tiên sử dụng máy thở như là phương tiện chính điều trị cho các bệnh nhân.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết giáo sư Trần Văn Thọ và ông Trần Ngọc Phúc - Tác giả phát minh ra máy trợ thở cho trẻ sinh non ở Nhật Bản tuyên bố sẽ hỗ trợ sản xuất cho Hà Nội và TP.HCM 2.000 chiếc máy trợ thở.

Đồng thời, hai người sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong nước sản xuất máy trợ thở.

Video: Cận cảnh công tác điều trị tại bệnh viện Bạch Mai trong mùa dịch Covid-19

Phạm Quý

Tin mới