Tổ chức Sáng kiến thăm dò Biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc cho biết, máy bay do thám RC-135W Rivet Joint của Không quân Mỹ được phát hiện rời Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa (Nhật Bản) hôm thứ Ba (8/9), sau đó áp sát gần không phận Trung Quốc. Máy bay quân sự Mỹ được cho là ngụy trang thành máy bay dân sự Malaysia khi di chuyển trên Biển Đông.
Theo SCSPI, máy bay Mỹ tiến hành “tuần tra mật độ dày” trên vùng biển quốc tế giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, vùng biển mà Mỹ đã thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.
Đường di chuyển của máy bay do thám RC-135W Rivet Joint của Không quân Mỹ hôm 8/9. (Ảnh: SCSPI)
Nhóm nghiên cứu của SCSPI lưu ý rằng, một chiếc RC-135W khác cũng đã thực hiện hành động do thám tương tự vài ngày trước đó, và đã phát đi một mã định danh của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (IACO) khi nó bay ở trên Biển Đông.
Theo đó, việc sử dụng mã bộ phát đáp (mã hex) giả để ngụy trang cho máy bay do thám thường được Không quân Mỹ sử dụng. Năm 2019, một số trường hợp tương tự đã xảy ra và tất cả đều liên quan đến máy nay do thám RC-135W.
Cụ thể là ngày 23/2/2019, một chiếc RC-135W bay từ Puerto Rico bắt đầu phát mã hex giả khi nó bay gần không phận Venezuela. Tương tự ngày 3/7/2019, chiếc RC-135W khác của Không quân Mỹ trên Vịnh Ba Tư đã chuyển mã bộ phát đáp sang mã của Iran, khi bay vòng trong không phận Iran.
Các quan chức cấp cao Mỹ gần đây đã đưa ra hàng loạt các tuyên bố chỉ trích gay gắt Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xem xét sử dụng tới hỏa lực mạnh mẽ của máy bay ném bom tầm xa để cảnh báo Bắc Kinh.
Hôm 21/7, 2 máy bay ném bom B-1B của không quân Mỹ cất cánh từ đảo Guam, di chuyển về phía tây qua Thái Bình Dương tới Biển Đông. Hội ngộ cùng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, 2 chiếc B-1B tham gia vào cuộc tập trận gần biển Philippines.
Hoạt động này là một phần trong thách thức ngày càng tăng của chính quyền Trump đối với Trung Quốc trước các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.