Sản xuất mật ong hoa nhãn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa nhận được thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong xuất xứ từ 5 quốc gia gồm: Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên mật ong của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra, áp biện pháp phòng vệ thương mại và có thể là vụ việc điều tra phòng vệ thương mại thứ ba trên thế giới.
Trước đó, năm 2001, Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Trung Quốc và điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mật ong Argentina.
Theo quy định, DOC xem xét tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện (21/4/2021).
Theo Cục Phòng vệ thương mại, hàng hóa bị điều tra là mật ong thô được phân loại theo mã HS 0409.00.
Thời kỳ điều tra bán phá giá đề xuất từ 1/10/2020 đến 31/3/2021 và thời điểm điều tra thiệt hại từ ngày 1/1/2018.
Số liệu từ hải quan Mỹ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 50.700 tấn trong năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của Mỹ.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đang xem xét đơn kiện của nguyên đơn để đưa ra kết luận về đánh giá mức độ thiệt hại của ngành sản xuất mật ong tại Mỹ trong 45 ngày kể từ ngày nhận đơn.
Phục vụ cho việc đánh giá thiệt hại nói trên, ITC đã gửi bảng câu hỏi để lấy một số thông tin liên quan từ các nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu và nhà sản xuất/xuất khẩu mật ong từ 5 quốc gia bị cáo buộc. Thời hạn cung cấp thông tin cho ITC đến ngày 5/5/2021 (theo giờ Mỹ).
Do vậy, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp trả lời bảng câu hỏi của ITC để thể hiện thiện chí hợp tác với cơ quan điều tra Mỹ; đồng thời, đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và chuyển bảng trả lời câu hỏi theo đúng định dạng cũng như thời hạn quy định.
“Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do nguyên đơn đề xuất”, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.