Mật ong điên màu sẫm đỏ, chứa độc tố grayanotoxin từ một loại đỗ quyên hiếm mọc rải rác ở phía nam Thổ Nhĩ Kỹ, vùng Caucasus và Nepal. Thế giới có hơn 700 giống đỗ quyên, nhưng chỉ khoảng hai hoặc ba loại có grayanotoxin trong mật hoa.
Đỗ quyên chứa mật hoa độc còn có thể được tìm thấy tại Nhật Bản, Australia, New Zealand, Nam Phi hay vài bang của Mỹ. (Ảnh: Mark Spencer)
Một trong những ghi chép cổ nhất về mật ong điên là của nhà sử học Xenophon của Athens, kể lại chuyến đi cùng những người lính Hy Lạp hành quân qua Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 401 TCN. Những người này ăn mật lấy từ những tổ ong dọc đường. Vài giờ sau, toán lính nôn mửa, bị tiêu chảy, mất phương hướng và không thể đứng vững nhưng tất cả lại bình thường vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, một đội quân La Mã không may mắn như vậy. Vào năm 67 TCN, tướng Pompey Vĩ đại dẫn đoàn quân của mình truy đuổi vua Ba Tư Mithradates VI dọc bờ Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Họ gặp rất nhiều hũ mật ong bên đường mà không hề biết đó là bẫy. Sau khi ăn mật, những người lính La Mã không thể chống trả khi quân Ba Tư kéo đến. Có thể nói, đây chính là vũ khí hóa học đầu tiên trong lịch sử.
Hành trình săn mật ong điên thậm chí còn nguy hiểm hơn việc ăn đặc sản này. (Ảnh: ScoopWhoop)
Dù chứa độc tố, mật ong điên lại được người dân Nepal hay Thổ Nhĩ Kỳ dùng hàng nghìn năm qua như một vị thuốc để chữa bệnh tiêu chảy, cao huyết áp, điều trị đau nhức do viêm khớp và giúp đời sống vợ chồng thăng hoa. Họ tin rằng chỉ cần ăn ít nhất một thìa mật hàng năm để cải thiện sức đề kháng. Người địa phương còn đun sôi mật với sữa và uống một chút trước mỗi bữa sáng.
Nếu có dịp đến Nepal, bạn hãy hỏi dân địa phương để thử đặc sản này. Nhưng hãy cẩn thận khi thưởng thức, đừng phết mật lên bánh mì, hay rưới lên sữa chua hoặc ăn như mật ong bình thường. Một thìa nhỏ trên đầu lưỡi là quá đủ, nếu không bạn có thể trở thành một trong số những du khách ngộ độc mật ong điên hàng năm.
Mật ong điên có giá khoảng 120 - 160 USD một ký trên thị trường chợ đen. (Ảnh: Interesting Engineering)
Năm 2016, David Caprara, phóng viên Vice, đồng hành cùng thổ dân Gurung đi săn mật ong điên. Ngay khi nếm khoảng hai thìa mật ong vừa hứng từ tổ, David cảm thấy cực kỳ hưng phấn như vừa hít cần sa, còn vài thợ săn mật ngất lịm. May mắn, không ai bị nôn mửa hay mắc triệu chứng nguy hiểm nào.
Một người đàn ông Hong Kong từng bị ngộ độc vì đặc sản này vào năm 2017. Khoảng 45 phút sau khi ăn một thìa mật ong điên do bạn mua tặng từ Nepal, nạn nhân thở gấp, mất cảm giác và người yếu dần, phải nằm viện một ngày để điều trị.