Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mất liên lạc với người chồng nước ngoài, giải quyết ly hôn thế nào?

Nếu chồng chị A là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam thì theo quy định của pháp luật, tòa án cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của chị.

Nếu chồng chị A là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam thì theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 469; điểm c khoản 2 Điều 470; Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của chị. 

Chị Nguyễn Thị A kết hôn với chồng là người nước ngoài cách đây 3 năm, đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Sau khi kết hôn một thời gian thì người chồng bỏ đi đâu không rõ, không có bất cứ liên lạc gì với chị A. Hai người không có con và tài sản chung. Giờ chị A muốn làm thủ tục ly hôn thì có làm tại Việt Nam được không? Thời gian thụ lý giải quyết của cơ quan chức năng là bao lâu?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, tư vấn:

Theo thông tin chị cung cấp thì chồng chị là người nước ngoài nhưng không xác định rõ là chồng chị đã có quốc tịch Việt Nam hay không. Do đó, có 2 trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất: Nếu chồng chị là người nước ngoài đã có quốc tịch Việt Nam thì trước khi thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn, chị phải yêu cầu tòa án tuyên bố chồng chị mất tích. Việc yêu cầu tuyên bố mất tích và giải quyết ly hôn sẽ giống như cách giải quyết đối với người Việt Nam với người Việt Nam. Khi đó, tòa án cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết (khoản 3 Điều 27; khoản 1 Điều 28; điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Theo đó:

Sau khi tòa án ra quyết định chồng chị mất tích thì chị sẽ nộp đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng chị có nơi cư trú cuối cùng để thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn (tòa án có cùng thẩm quyền theo lãnh thổ với Tòa án đã ra quyết định tuyên bố chồng chị mất tích).

Thời gian thụ lý sẽ là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, chánh án tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và tiến hành thụ lý vụ án. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tòa án sẽ phải mở phiên tòa (Điều 191, 195; khoản 1, 4 Điều 203 BLTTDS 2015).

Trường hợp thứ hai: nếu chồng chị là người Nhật Bản không có quốc tịch Việt Nam thì theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 469; điểm c khoản 2 Điều 470; Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của chị.

Việc giải quyết việc ly hôn sẽ được tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi chồng chị có nơi cư trú cuối cùng thực hiện theo thủ tục tương tự như trường hợp thứ nhất, tuy nhiên, đối với trường hợp này toà án sẽ thực hiện một số thủ tục uỷ thác tư pháp để xác định nơi cư trú của chồng chị.

Nếu các cơ quan có thẩm quyền (bao gồm cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan có thẩm quyền nơi chồng chị là công dân) sau khi đã điều tra xác minh địa chỉ của chồng chị theo thủ tục xuất nhập cảnh; địa chỉ mà họ khai khi đăng ký kết hôn theo giấy đăng ký kết hôn;… nhưng cũng không biết tin tức; địa chỉ của họ; thì được coi là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ và tòa án sẽ xem xét xử lý việc ly hôn.

Về thủ tục tuyên bố một người mất tích:

Chị có thể nộp đơn yêu cầu đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng chị có nơi cư trú cuối cùng để yêu cầu tòa án tuyên bố chồng chị mất tích (điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Điều kiện để tuyên bố một người mất tích là có tài liệu chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.

Do đó, nếu như trường hợp của chồng chị đã đáp ứng các điều kiện trên thì tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố chồng chị mất tích.

Thời gian giải quyết sẽ là 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo tìm kiếm thì tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu (theo Điều 388 BLTTDS 2015).

Vững Nguyễn (VOV.VN)

Tin mới