“Chúng tôi đã đàm phán với Google để có thể gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm, như thuốc thực phẩm chức năng xuất hiện nhiều trên YouTube, qua những cơ chế nhanh gọn hơn”, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) chia sẻ.
Cụ thể, khi cơ quan quản lý gửi một “mẫu” video hoặc quảng cáo thuộc dạng này, Google và YouTube sẽ sử dụng thuật toán để tìm ra và gỡ bỏ các video tương tự. Giải pháp được phát triển trong khoảng 6 tháng, theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng PTTH&TTĐT.
Nhờ cơ chế mới, chỉ trong 6 tháng cuối năm hơn 2.000 quảng cáo phóng đại, sai sự thật bị gỡ bỏ, nhiều hơn 3 năm trước cộng lại.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết các quảng cáo theo dạng “nhà tôi 3 đời chữa bệnh” hay “cam kết chữa khỏi” từng tràn lan trên YouTube. Dạng quảng cáo này nhắm đến những người bệnh cả tin, nhằm lôi kéo họ mua các thuốc hoặc liệu trình chữa bệnh “gia truyền” không an toàn và chưa được cấp phép.
“Để thông tin sai sự thật lan truyền trên không gian mạng một phần do những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, thậm chí họ còn có thuật toán để những tin giả lan truyền nhiều hơn tin thật, bởi vì được nhiều người tương tác”, Cục trưởng PTTH&TTĐT cho biết trong buổi công bố Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật chiều 27/12.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng PTTH&TTĐT chia sẻ trong buổi ra mắt Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật. (Ảnh: Zing)
“Năm 2021 chúng ta gặp vấn nạn ‘thần y’, ‘nhà tôi 3 đời’, mở video YouTube nào lên cũng thấy, và chúng tôi lúng túng trong việc ngăn chặn các quảng cáo này”, ông Tự Do thừa nhận. Nguyên nhân là khi đó chưa có sự hợp tác giữa cơ quan phụ trách thông tin điện tử với cơ quan phụ trách cấp phép thuốc, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, cũng như chưa có cơ chế gỡ bỏ một lượng lớn nội dung từ Google, YouTube.
Cục PTTH&TTĐT cho biết, hiện nay khi phát hiện nội dung “khả nghi” về thuốc và khám chữa bệnh, sẽ chuyển đến cơ quan y tế để thẩm định, và sau đó yêu cầu Google ngăn chặn diện rộng bằng thuật toán. “Từ tháng 9 năm nay bắt đầu áp dụng cơ chế mới, chỉ trong vòng 1 tháng thì chúng tôi đã ngăn chặn được các quảng cáo ‘thần y’, dạng quảng cáo đó gần như không tồn tại nữa”, theo ông Tự Do.
“Hiện các nền tảng mạng xã hội hỗ trợ gỡ bỏ 90% các nội dung vi phạm, tuy nhiên 10% còn lại cần nâng cao nhận thức hay ‘sức đề kháng’ của người dân trước thông tin sai sự thật”, Cục trưởng PTTH&TTĐT lưu ý.
Tại buổi ra mắt, đại diện một mạng xã hội cũng đưa ra câu hỏi về vấn nạn quảng cáo của nghệ sĩ, KOL. Mức phạt hành chính hiện tại dưới 20 triệu đồng, đại diện này cho rằng chưa thấm vào đâu so với mức thù lao một KOL có thể nhận cho bài quảng cáo, lên đến hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu.
Cục trưởng PTTH&TTĐT thừa nhận mức phạt hành chính hiện tại ở Việt Nam vẫn thấp, không so được với mức tiền mà nhiều người nổi tiếng nhận để quảng bá. Tuy nhiên, ông Do cũng nhận định không thể tăng mãi mức phạt hành chính để “đọ” với tiền quảng cáo.
Cẩm nang do Bộ TTTT phát hành nhằm chống lại tình trạng tin giả tràn lan trên mạng xã hội thời gian qua. Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng những cơ chế để xử lý tin giả, phạt những người lan truyền tin giả. (Ảnh: Zing)
Giải pháp cho hiện tượng này, theo đại diện Cục PTTH&TTĐT, là chặn dòng tiền quảng cáo đối với các nhãn hàng sử dụng tin giả để quảng bá. Bên cạnh đó, Cục cũng đưa ra biện pháp là hạn chế, khóa tài khoản của KOL, như trường hợp một TikToker gần đây.
Ngoài ra, Cục PTTH&TTĐT cũng đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch để đưa ra quy trình hạn chế hình ảnh của nghệ sĩ, người nổi tiếng, từ đó giảm hiện tượng lợi dụng sự nổi tiếng để kiếm tiền.