Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mánh khoé sau những chuyến hàng cua Cà Mau xuất khẩu: Lỗi chỉ do doanh nghiệp?

(VTC News) -

Là đơn vị thẩm định, đề xuất cấp code sản xuất nhưng đơn vị quản lý khẳng định, nếu cua không về cơ sở sản xuất để kiểm tra ATTP thì lỗi thuộc về doanh nghiệp.

Kỳ 1: Vén màn mánh khoé xảo quyệt sau chuyện thương lái ép giá ở thủ phủ cua Cà Mau

Kỳ 2: Dễ thuê, khó xin code - 'Luật ngầm' vây giới buôn cua Cà Mau xuất khẩu

Kỳ 3: 'Mò kim đáy bể' tìm cơ sở sản xuất có code xuất khẩu cua Cà Mau

Kỳ 4: Cơ sở sản xuất cua Cà Mau 'cửa đóng then cài' bỗng chốc 'lột xác'

Video: Mánh khoé xảo quyệt đưa cua Cà Mau 'thần tốc' qua biên giới

Từ những thông tin đã thu thập được trong thời gian theo chân các lô hàng cua Cà Mau xuất khẩu, chúng tôi lần lượt liên hệ đến các đơn vị quản lý liên quan trực tiếp tới quy trình kiểm duyệt xuất khẩu này.

 

Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Đình Thụ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản Nam Bộ (NAFI Nam Bộ - thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT) cho biết, quy trình xuất khẩu thủy sản đã được Bộ NN&PTNT quy định rõ qua các thông tư.

Đối với thông tin về Chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ vận chuyển quốc tế Hoàng Anh mà chúng tôi đã thông tin, ông Nguyễn Đình Thụ cho biết, doanh nghiệp này từng bị xử phạt với vi phạm tương tự.

“Trước đây có xử phạt rồi đấy, mà giờ vẫn thế thì chắc phải có biện pháp mạnh hơn. Cái này là lỗi hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp, không thể nói do đơn vị quản lý được. Họ vin vào mức độ ưu tiên để làm bậy. Những vấn đề này nếu đúng như phản ánh chắc chắn chúng tôi sẽ xử lý, không hề bao che”, ông Thụ khẳng định.

Theo ông Thụ, các doanh nghiệp sai phạm hiện đang tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính khó thể nào cạnh tranh. Tuy nhiên, để xử lý triệt để không phải là điều dễ dàng, bởi nhân lực của các đơn vị quản lý hiện còn quá mỏng, “không thể nào bố trí nhân viên trực ở mỗi cơ sở 24/7 được”.

 

Đối với cơ sở sản xuất của Chi nhánh Công ty TNHH kinh doanh thương mại Gia Thành (Chi nhánh Công ty Gia Thành), ông Thụ cho biết, cơ sở này do đơn vị thẩm định để trình cấp code, song lại thuộc quản lý trực tiếp của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 5 (NAFI vùng 5).

Thời điểm đơn vị thẩm định để trình cấp code, cơ sở này đạt các chỉ tiêu bắt buộc nên đã được hải quan quốc gia nhập khẩu cấp code với mã: TS 944. 

“Tất cả đều phải có căn cứ pháp lý. Tần suất kiểm tra cơ sở là 18 tháng/lần, cứ 18 tháng là sẽ đi kiểm tra lại điều kiện. Nếu đúng như phản ánh, thì chắc chắn không đúng, phải bỏ ra.

Chúng tôi không có căn cứ để xuống kiểm tra trực tiếp, quản lý trực tiếp là vùng 5. Dưới đó sẽ đi kiểm tra trực tiếp nếu có phản ánh. Chúng tôi 18 tháng mới xuống kiểm tra được, chúng tôi là đơn vị kiểm tra điều kiện ban đầu. Chắc chắn không có việc bao che, nếu có thì phải xử lý”, ông Thụ nói.

 

Để làm rõ hơn, PV tiếp tục liên hệ với NAFI vùng 5. Ông Chu Đức Xuân - Trưởng phòng Chất lượng NAFI vùng 5 - xác nhận, các lô hàng cua khi xuất khẩu đều phải có chứng thư.

Tuy nhiên, tùy vào việc cơ sở đó thuộc ưu tiên mức nào mà tần suất thẩm tra liên tục hay giãn ra. Với những cơ sở có độ tin cậy cao, việc cấp chứng thư sẽ được “nới lỏng” hơn mà không cần kiểm tra gắt gao. Sản xuất ở cơ sở nào thì cơ sở đó đăng ký để cấp chứng thư.

Cụ thể, tần suất lấy mẫu thẩm tra tối thiểu được quy định: Chế độ đặc biệt: 2 tháng/lần; Hạng 1: 1 tháng/lần; Hạng 2: 1 tháng/2 lần.

“Gia Thành thuộc hạng 2, là thẩm tra 1 tháng 2 lần, hàng nhiều thì cứ 5 lô hàng chuẩn bị xuất đi thì thẩm tra 1 lô. Mà thật ra cơ sở sản xuất cũng chỉ là cơ sở bao gói, bao gói cua sống đơn giản là đúng rồi.

Xưởng chỉ có công đoạn bao gói nên thông thường làm buổi đêm, trong mấy tiếng đồng hồ, cho vào thùng thì nhanh thôi mà. Vào xưởng để đóng gói, chứ thật ra cua người ta buộc sẵn khi bắt rồi mà…”, ông Xuân cho hay.

 

Ở khu vực phía Bắc, ông Trần Thế Phong - Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 (NAFI vùng 1) - khẳng định, việc đưa cua về cơ sở sản xuất để kiểm tra, đóng gói, dán tem nhãn là điều bắt buộc, các công ty thuộc sự quản lý của đơn vị hiện đều tuân thủ đúng quy trình này.

Thế nhưng, khi chúng tôi đề cập đến việc các lô hàng của Công ty Công ty TNHH thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Trang, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Ánh Linh không hề được đưa về cơ sở sản xuất, ông Phong cho biết sẽ kiểm tra lại.

“Thật ra vì nguồn nhân lực không cho phép, không thể đủ người túc trực ở mỗi cơ sở suốt 24 giờ được. Nên nếu có bằng chứng thì tốt quá, cứ gửi lên đây chúng tôi sẽ xử lý theo thẩm quyền, còn không thì sẽ báo cáo lên Cục”, ông Trần Thế Phong nói.

Với thông tin một số doanh nghiệp dễ dàng được cấp code, nhưng không thực hiện sản xuất mà đem cho thuê, một lãnh đạo NAFI nói: “Thuê code là cách nói của người dân thôi, chứ chính xác là ‘mướn gia công’. Chính cái anh chủ vựa cua mới là chủ cua thật sự. Giờ anh có cua, nhưng anh không có cơ sở sản xuất thì anh đi mướn cái cơ sở có code kia người ta gia công, sản xuất cho anh. Nhưng mà mướn rồi, lại không đưa cua về đó gia công thì lại sai, quá sai”.

 

Đó là nhận định của ĐBQH Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (Đoàn Đồng Tháp) về việc các doanh nghiệp tự ý cắt bỏ công đoạn kiểm tra cua tại cơ sở trước khi xuất khẩu.

ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng, những doanh nghiệp cắt bỏ khâu rõ ràng đang tạo một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, thiệt thòi rất lớn cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, đúng quy trình.

“Vẫn là mặt hàng đấy mà anh chơi chiêu, anh cắt khâu, rồi hàng anh tới nơi nhanh hơn. Trong khi đó các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì cố gắng lắm mới kịp giờ xuất hàng, nhiều khi không kịp rồi đi không nổi. Rõ ràng là cạnh tranh không lành mạnh, còn hệ lụy thì vô vàn”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nói.

Ông Hoà cho biết, hiện các quốc gia nhập khẩu đang yêu cầu rất gắt gao về vấn đề truy xuất nguồn gốc các mặt hàng khi nhập vào nước họ. Trong đó, mặt hàng cua Cà Mau đã được quy định cụ thể tại các thông tư với hai yêu cầu cơ bản: Cua phải được kiểm tra tại cơ sở sản xuất đã được cấp mã code, và từng lô hàng phải được cấp chứng thư đạt yêu cầu.

Mã code cơ sở sản xuất là một yếu tố rất quan trọng, một doanh nghiệp muốn xuất khẩu cua phải có cơ sở sản xuất được hải quan quốc gia nhập khẩu cấp mã code. Và để được cấp mã code, cơ sở sản xuất phải trải qua khâu thẩm định gắt gao của đơn vị quản lý.

“Cơ sở sản xuất được cấp mã code là cơ sở đã đạt yêu cầu của phía quốc gia nhập khẩu. Là cơ sở đó sẽ nắm được xuất xứ nguồn gốc của từng con cua, mua từ vuông nào, đã được kiểm dịch con giống ra sao… Thế nhưng, do hám lợi nên các anh cứ thả ga gom cua, gom từ ngoài đường, ngoài vỉa hè, gom bất cứ đâu, cứ ai bán là gom, là đưa đi xuất khẩu thì làm sao truy xuất nguồn gốc được.

Anh nhập khẩu vào nước họ mà anh không làm theo yêu cầu của họ, anh không đưa vào cơ sở kiểm tra, anh gom cua tùm lum bên ngoài rồi bán cho họ thì làm sao anh đảm bảo được”, ông Hoà phân tích.

 

Ông Hoà cho rằng, cái cái cơ bản nhất là chấp hành yêu cầu của quốc gia nhập khẩu mà mình không làm được thì rõ ràng không thể chấp nhận được. Việt Nam cũng có những yêu cầu đối với mặt hàng của các nước khác khi nhập khẩu vào, mình muốn họ thực hiện đúng, thì họ cũng vậy, họ cũng cần mình làm đúng

Đây là một hồi chuông cảnh báo cho tất cả các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, không riêng mặt hàng cua mà tất cả các mặt hàng khác. Bởi nếu mình không thực hiện đúng quy trình mà họ yêu, thì sau này, họ cấm thông quan là điều dễ hiểu và không thể trách được.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, với những vi phạm nêu trên, ngoài chính doanh nghiệp trực tiếp vi phạm, thì trách nhiệm thuộc về các đơn vị quản lý. Bởi những vi phạm này nếu kéo dài, không chỉ làm mất uy tín của doanh nghiệp Việt, mà còn ảnh hưởng đế uy tín của Chính phủ.

“Là đơn vị quản lý, là đơn vị trực tiếp kiểm tra, nhiệm vụ của anh là giám sát để không xảy ra vi phạm. Vậy mà giờ xảy ra vi phạm thì anh lại đổ lỗi cho doanh nghiệp, nói mình không liên quan thì không được. Trong sự việc này, phải liên đới trách nhiệm của anh là các đơn vị quản lý và các doanh nghiệp vi phạm”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nói.

Đồng quan điểm, TS Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới cho rằng, việc các doanh nghiệp tự ý cắt bỏ công đoạn kiểm tra cua tại cơ sở trước khi xuất khẩu là điều không thể chấp nhận được.

Theo TS Võ Đại Lược, mỗi quốc gia sẽ có những yêu cầu riêng đối với các mặt hàng khi nhập vào địa phận mình, chung quy lại là chất lượng tốt và phải đảm bảo an toàn. Do đó, việc quốc gia nhập khẩu siết chặt quy trình nhập khẩu là điều dễ hiểu.

“Tình trạng các doanh nghiệp trong nước xuất hàng đi mà bỏ qua những công đoạn nước bạn yêu cầu thì rõ ràng là đang tự bôi đen uy tín của mình. Được lợi trước mắt, nhưng hại về lâu dài. Vì nếu họ phát hiện ra thì đâu còn sự tín nhiệm nữa, rõ ràng là mình lừa dối người ta”, TS Võ Đại Lược nhận định.

TS Võ Đại Lược cho rằng, hành vi cắt bỏ quy trình kiểm tra chất lượng đang diễn ra ở các doanh nghiệp xuất khẩu cua là hành vi lừa đảo, lừa dối khách hàng. Do đó, cơ quan Nhà nước phải vào cuộc, không thể để những doanh nghiệp không đạt yêu cầu tiếp tục được xuất khẩu.

“Phải ngăn chặn hành vi lừa đảo đấy, không ngăn chặn thì rõ ràng là lợi trước mắt, hại lâu dài. Tất cả đều có quy định, có luật hết rồi, cứ áp vào mà xử lý thật chặt”, TS Võ Đại Lược nhấn mạnh.

“Báo có thông tin cứ phản ánh về Cục. Tất cả hành vi, vi phạm nếu không phải phạm vi của Cục thì Cục sẽ gửi cho Thanh tra Bộ NN&PTNT để kiểm chứng, xử lý. Những dấu hiệu vi phạm báo cứ gửi về Cục cũng được, hoặc gửi về luôn Thanh tra Bộ cũng được. Thanh tra Bộ có chuyên ngành về thanh tra, họ sẽ điều tra để kết luận được vi phạm hay không. Còn Cục chỉ là đơn vị thực thi”, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFI) nói.

Nhóm phóng viên

Tin mới